Thần Thoại Chiron
Thần thoại Hi Lạp về Chiron, vị vua nhân mã mang những nỗi đau không thể chữa trị – thứ đã biến ngài trở thành một người chữa lành, có liên quan mật thiết đến sự thấu hiểu của chúng ta với nỗi đau khổ của phàm nhân. Hình ảnh một thầy lang chữa bệnh xuất hiện ở rất nhiều nền văn hóa, và trở thành một phần trong quá trình đào tạo các vị thầy pháp ở nhiều bộ lạc Châu Phi và Mỹ – Ấn. Nhưng không đâu mô tả họ một cách rõ ràng như hình ảnh lạ kì của Chiron. Trong thần thoại, các nhân mã, nửa người nửa ngựa, là biểu tượng cho bản năng thống trị mạnh mẽ được kiểm soát bởi lý trí con người. Chiron, con trai của thần đất Saturn, đứa con của rừng và hang động, là một thợ săn khéo léo thông thạo mọi thứ về động thực vật. Ngài làm bạn với vị anh hùng Hercules và việc đó mang đến vận xui cho ngài, bởi Hercules đã vô tình làm Chiron bị thương bởi mũi tên đáng ra được dùng để giết Hydra; mũi tên được tẩm máu của quái vật, và chất độc của nó không hề có thuốc giải. Bất chấp trí tuệ của mình, ngài vẫn không thể tìm ra cách để giảm đi nỗi đau đớn và chữa lành vết thương cho bản thân. Vết thương bị gây ra bởi một hành động bất cẩn chứ không phải từ bất kì hành vi bạo lực cố ý nào đã biến đổi Chiron. Ngài không thể tự giải thoát mình khỏi nỗi đau đớn, nhưng cũng không thể chết bởi vì ngài bất tử. Và rồi ngài tìm ra được ý nghĩa của nỗi đau đớn trong mình thông qua việc chữa trị cho kẻ khác. Ngài trở thành người thầy thông tuệ của rất nhiều hoàng tử Hi Lạp trẻ tuổi. Ngài đã lãnh đạo tộc nhân mã hỗn loạn trở nên quy củ hơn và trở thành những người bạn tuyệt vời của loài người. Hình ành thần thoại về trí tuệ đến từ nỗi đau được minh họa trong chiêm tinh học bằng Chiron, hành tinh mới được khám phá gần đây. Và giờ nó được coi là hành tinh có tầm quan trọng sâu sắc trong bản đồ sao (qua gần hai mươi năm nghiên cứu).
Hành tinh nhỏ bé này, cũng giống như nhân mã trong thần thoại, là một hành tinh bị bỏ rơi trong hệ mặt trời của chúng ta. Một tiểu hành tinh hay sao chổi chết chóc xuất hiện bởi trọng lực từ Mặt Trời, một ngày nào đó sẽ biến mất bí ẩn như cách nó xuất hiện. Nó đi theo quỹ đạo hình elip bất thường. Ở tầm lý trí, Chiron đại diện cho những thôi thúc và trải nghiệm phản ánh các tính chất kì lạ và xa cách. Khi chúng ta bị tổn thương bởi những bất bình trong cuộc sống, chúng ta bị kẹt lại trong nỗi đau, và trải nghiệm nhu cầu tìm thấy ý nghĩa của chúng. Điều đó có thể không xóa nhòa đi nỗi đau, nhưng nó có thể khiến chúng ta làm quen với những cảm xúc tiêu cực một cách tích cực, mà nếu không làm vậy thì nỗi đau sẽ đầu độc chúng ta bởi sự cay đắng không dứt. Nhiều khi nỗi đau sinh ra bởi chính những thái độ của mình, và ngay cả lúc chúng ta thấy miễn cưỡng khi phải đối mặt với nó, chúng ta vẫn có thể nhận thấy mình đang đem nỗi bất hạnh trút lên bản thân thông qua những lựa chọn sai lầm hay những hành động vô thức. Chúng ta cũng có thể sẽ khám phá ra những trải nghiệm đau đớn đã ăn sâu bén rễ vào ta trong tiềm thức. Chúng khiến ta phải gợi lại những nỗi đau từ thuở ấu thơ khi đã trưởng thành. Mọi nỗi đau đều có thể chữa lành, bởi vì khi nhận thức được vai trò của bản thân, chúng ta có thể thay đổi thái độ và tạo ra tương lai tốt đẹp hơn. Ngay cả khi ta bị tổn thương bởi sự hiểm độc của người khác, chúng ta vẫn có quyền được phán xét về đạo đức, nếu ta không được phán xét qua luật pháp. Nhưng sẽ có khi chính cuộc sống làm tổn thương chúng ta bằng sự tàn bạo mù quáng của nó – thông qua chiến tranh, thiên tai, hoặc những di truyền xấu về gen xảy ra không do lỗi của bất cứ ai. Chúng ta trở nên hoang mang và sợ hãi bởi ta thấy cuộc đời chẳng có chút công lý nào, và chúng ta phải đối mặt với những cơn khủng hoảng tồi tệ nhất của mình. Đức tin tôn giáo có thể giúp một số người tìm thấy sự bình yêu sau khi trải qua những khó khăn đó. Nhưng hầu hết sẽ cần nhiều hơn lời hứa từ Chúa trời, bởi thiên ý thì luôn rất mơ hồ, khó hiểu và ý niệm về kiếp sau có vẻ dễ hiểu hơn.
Chiron phản ánh nhu cầu được thấu hiểu sâu sắc các luật lệ xã hội và tôn giáo, bởi ngay cả đức tin của Sao Mộc về một vũ trụ tốt đẹp đôi khi cũng không thể thỏa mãn được đòi hỏi từ chúng ta về mong muốn được biết lý do tại sao đôi lúc cuộc sống lại trở nên khó khăn và tồi tệ như vậy. Bản chất của Sao Diêm Vương sẽ khiến chúng ta thất bại trong việc ngăn chặn những bi kịch hủy hoại chúng ta khi phải đối mặt với chúng. Trong nỗ lực giảm thiểu nỗi đau của mình, Chiron đã trở thành một thầy thuốc lành nghề chữa trị cho người khác, bởi không có bất cứ nỗi đau nào mà ngài chưa từng nếm trải qua. Vậy nên, Chiron có thể giúp chúng ta ngừng thương hại bản thân và thấu hiểu được bản chất cố hữu của nỗi bất hạnh con người, cùng những phương tiện sẵn có để giúp người khác giải quyết nó. Từ đó mới sinh ra lòng trắc ẩn – một từ thường được sử dụng sai, mang nghĩa sâu xa từ tiếng Hi Lạp nghĩa là “để cảm thấy”. Chúng ta không thể có lòng trắc ẩn nếu chúng ta chưa trải qua nỗi đau. Việc tránh đi những thử thách sâu sắc hơn của cuộc sống sẽ khiến chúng ta cảm thấy đau tột cùng khi phải đối mặt với những bi kịch con người. Nhưng lòng trắc ẩn là một loại năng lượng sống, năng lượng chữa lành chỉ nảy sinh từ chính những vết thương không thể chữa lành của ai đó. Khi chúng ta đối mặt với những phần đã bị hủy hoại một cách đau đớn và vô nghĩa trong bản thân mình, chúng ta mới nhận ra để làm một con người khó khăn biết bao nhiêu. Khi đó ta mới biết có bao nhiêu cao thượng bên trong căn tính con người, thứ luôn nhắc nhở chúng ta phải giữ vững lòng chính trực và sự hào hiệp của mình ngay cả khi đối mặt với bất hạnh.
Có thể sẽ rất khó để bộc lộ Chiron, bởi vì đứa trẻ trong mỗi chúng ta đều phải lớn lên và đối mặt với cuộc sống như nó vốn thế, hoặc là chúng ta muốn nó như thế. Bởi vì đứa trẻ bên trong luôn hi vọng vào một kết thúc hạnh phúc, chúng ta thà cứng rắn dựa vào bản năng của mình để đổ lỗi cho một ai đó hay điều gì, còn hơn cho phép trí tuệ phải khó khăn lắm mới đạt được của Chiron phát triển trên nền tảng vững chắc. Chỉ khi sự ngây thơ của chúng ta bị tổn thương thì Chiron mới xuất hiện, bởi khi đó đức tin cá nhân có thể bị rạn vỡ và chúng ta không thể tự bảo vệ bản thân khỏi cuộc sống khắc nghiệt này. Học cách tiếp tục mang theo những nỗi đau mà không hoài nghi hay tự thương xót chính mình có thể cho chúng ta niềm cảm thông sâu sắc và khả năng thấu hiểu nỗi cô đơn của con người. Kì lạ là, sự chia sẻ âm thầm có thể giúp chữa lành nhanh hơn những nỗ lực hết mình đến từ người chuyên nghiệp. Việc Chiron mới được khám phá gần đây cũng cho thấy tính hợp thời của lòng trắc ẩn, bởi vì với vai trò là một tập thể, chúng ta cực kì cần nó. Hiện tại, chúng ta phải đối mặt với sự suy tàn của những giá trị cũ và sự chia cách trong cách nhìn nhận về thế giới không còn có thể giải thích được thông qua những điều đang diễn ra quanh ta hàng ngày. Khi tuyệt vọng, nhiều người lại bám vào những quan niệm đạo đức cứng nhắc và tôn giáo trong quá khứ để tìm cách đổ lỗi cho ai đó hoặc cái gì đó. Nhưng một ngày nào đó, chúng ta có thể tìm ra những cách thức khôn khéo và chín chắn hơn để đối mặt với những hỗn loạn, rồi từ đó ta có thể tìm thấy chính mình. Khi chúng ta đối mặt với nỗi đau thực sự, Chiron mới bộc lộ ra lòng trắc ẩn – thứ chỉ được sinh ra khi tuổi thơ màu hồng chấm dứt.
Trong đau đớn, nhân mã bị thương tìm cách kéo chiếc mũi tên ra khỏi đùi mình. Nhưng tất cả những kĩ năng và kiến thức vốn có của ngài đều không thể xóa đi nỗi đau đớn ấy, cũng không thể chữa lành vết thương gây ra bởi loại độc không có thuốc giải này. Nhưng mặc cho nỗi đau tăm tối bủa vây, ánh sáng của Mặt Trời – mang theo thông điệp rõ ràng và tàn nhẫn rằng những bất công không thể thiếu trong đời mới là thứ gây ra nỗi đau thực sự – có thể tạo ra trí tuệ và lòng trắc ẩn để chấp nhận rằng cuộc sống luôn tồn tại những thứ không thể nào thay đổi.
Dịch: Hải Anh