Sức Cám Dỗ Của Mặt Trăng
?? Sức Cám Dỗ Của Mặt Trăng ??
Mặt Trăng trong Tarot bao gồm lá The Moon và hình ảnh rải rác xuyên suốt các lá bài trong bộ bài luôn đại diện cho những điều hư ảo, đánh lừa chúng ta ra khỏi những sự thật sáng tỏ. Trong Chiêm Tinh cũng không ngoại lệ, vị trí Moon trong lá số luôn đại diện cho tiềm thức, cảm xúc – phần khó làm chủ/đoán biết và kiểm soát trong mỗi chúng ta.
Các bạn đã bao giờ đặt câu hỏi nguyên nhân vì sao Mặt Trăng lại được gán cho những từ khoá/khía cạnh mơ hồ như thế này hay chưa?
Nhân dịp được chứng kiến sự kiện hiếm hoi từ mặt trăng trong suốt hơn 150 năm qua: Nguyệt Thực đi cùng Mặt Trăng Máu, mình xin phép nêu ra một số nguyên nhân vì sao hình ảnh Mặt Trăng được gán ghép với những ý nghĩa trên theo hành trình tìm kiếm hiểu biết của nhân loại.
1. Mặt Trăng là công cụ đo lường đơn vị thời gian phổ quát đầu tiên
Việc khám phá ra thời gian là một bước ngoặc giúp nhân loại thoát khỏi sự lặp đi lặp lại đơn điệu của chu kì thời gian dường như dài vô tận.
Người xưa đã nhận ra sự chuyển động của mặt trăng mang tính chu kì, từ đó sử dụng nó làm những cột mốc đánh dấu cuộc sống. Có rất nhiều bộ tộc đã ăn mừng ngày trăng non hoặc trăng tròn vì theo họ, đó là thời điểm thuận lợi để bắt đầu công việc đồng áng, hoặc là thời điểm để thu hoạch vụ mùa.
Vì thế mối liên hệ giữa mặt trăng và công cụ đo lường thời gian trở nên có ý nghĩa. Cách con người đặt tên cho mặt trăng từ đó cũng có liên hệ đến các từ ngữ mang tính đo lường. Từ moon trong tiếng Anh và những từ cùng cội nguồn trong các ngôn ngữ khác bắt nguồn từ từ tố me có nghĩa là đo (như trong Hy Lạp là metron, và trong các từ tiếng Anh meter – “dụng cụ đo, đồng hồ đo” và measure – “phép đo”).
2. Chu kì thời gian của mặt trăng không đáp ứng nhu cầu mùa vụ của con người
Vào thời điểm đó, người nông dân và săn bắn rất cần biết thời điểm chính xác lúc nào thì mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, lúc nào thì mưa rơi nhiều, lúc nào thì tuyết phủ khắp mặt đất. Vì rõ ràng những hiện tượng đó có ảnh hưởng trực tiếp đến việc kiếm sống của họ.
Với những nhu cầu đó, chu kì mặt trăng chả giúp gì được mấy. Vì như các bạn biết ngày nay, quỹ đạo của mặt trăng và mặt trời chẳng có tỉ lệ ăn khớp nào với nhau cả.
Mà chu kì 4 pha của mặt trăng: trăng non, trăng thượng huyền, trăng tròn và trăng hạ huyền – quá dễ dàng để quan sát thấy. Vì thế con người đã bị đánh lừa trong suốt một thời gian dài trong việc đưa chu kì 28 ngày của mặt trăng vào thành một tháng.
Mặt trăng lúc ấy trở thành một cái bẫy đưa loài người ngây thơ đi vào ngõ cụt trong việc tìm tòi chu kì thời gian phục vụ cho cuộc sống của mình.
Thậm chí người Babylon sau khi thiết kế ra một bộ lịch âm đã giữ khư khư lấy nó, hậu quả nghiêm trọng dẫn đến thay vì họ có thể phát minh ra được một bộ lịch mới dựa theo quỹ đạo của Trái Đất quay quanh mặt trời mang tính hiệu quả hơn, thì họ lại phát hiện ra cái gọi là chu kỳ Meton (lấy tên theo một nhà thiên văn) dài 19 năm. Và hệ quả tất yếu đi kèm là con ngươi khư khư giữ lấy quan điểm Trái Đất phẳng và mặt trời lẫn mặt trăng đều quay xung quanh trái đất.
Mình sẽ nói rõ thêm về chu kì Meton, để cho bạn hiểu chúng ta đã bị mặt trăng đánh lừa và làm rối trí như thế nào. Người ta nhận thấy được nếu sử dụng một chu kì dài 19 năm, trong đó 12 năm sẽ có 12 tháng và xen kẽ 7 năm trong đó kéo dài 13 tháng (chúng ta gọi là năm nhuận). Việc đặt thêm một tháng vào năm nhuận giúp họ tránh được sự lệch pha quá lớn so với các mùa (vì lịch dương của chúng ta có từ 30-31 ngày nên với lịch ngắn ngày như vậy sẽ khiến một năm của họ không bao đủ 4 mùa xuân hạ thu đông). Tuy nhiên, một hệ quả tiếp theo đi kèm là chúng ta không biết được một mùa mới kế tiếp sẽ khởi đầu vào tháng mấy trong năm?
Rõ ràng lịch âm với chu kì Meton này quá phức tạp và không thuận tiện trong việc xác đoán chu kì thời gian để gieo trồng và săn bắn. Nhưng con người vẫn bị nó đánh lừa, và để giải quyết sự bất tiện này, mỗi địa phương khác nhau đã quyết định tuỳ tiện đặt tháng nhuận dựa theo nhu cầu tổ chức lễ hội và phục vụ chính trị. Từ đó họ đánh mất ý nghĩa của việc tạo ra bộ lịch chung cho nhân loại để gắn kết nhau với những kế hoạch và chu kỳ chung.
Trong chiêm tinh, mặt trăng còn mang ý nghĩa tuỳ tiện và vô lý là vì như vậy.
Ngày nay, mặc dù nhận ra sự bất tiện của bộ lịch dựa trên chu kỳ mặt trăng, một số tôn giáo và tộc người vẫn giữ cuộc sống của mình theo lịch mặt trăng vì sự thuận tiện đến cám dỗ mê hoặc của nó: người ta có thể bước ra nhìn bầu trời và biết ngay đang ở ngày bao nhiêu trong tháng.
Vì sự dễ dàng trong việc quan sát chu kì, nên cung địa bàn số 4 trong lá số chiêm tinh – do mặt trăng cai quản – đại diện cho những việc mà một người có thể dễ dàng thực hiện mà không tốn quá nhiều công sức.
Chúng ta có thể thấy dấu tích của những ý nghĩa thần thoại, thần bí, lãng mạn ở khắp mọi nơi – như các từ tiếng Anh moonstruck chỉ người gàn, hâm hâm; lunatic (gốc tiếng Latin luna nghĩa là trăng) chỉ người điên dại, mất trí; moonshine (ánh trăng) mang nghĩa bóng là ảo tưởng, ảo mộng, chuyện tưởng tượng…
3. Chu kỳ mặt trăng gắn liền với người phụ nữ
Mặc dù chúng ta thấy chu kỳ mặt trăng vô hiệu hoá đối với 4 mùa trong năm, nhưng không hiểu vì sao chu kỳ 28 ngày của nó rất sít sao với chu kỳ kinh nguyệt thường thấy ở phụ nữ. Và sau đúng 10 tháng mang thai theo lịch âm, người phụ nữ mang thai sẽ hạ sinh em bé.
Đó là lý do vì sao mặt trăng gắn liền với hình ảnh người phụ nữ, mang tính âm và các từ khoá dịu dàng, xoa dịu. Trong chiêm tinh là nuôi dưỡng và bảo bọc chở che.
4. Ánh sáng mờ ảo của mặt trăng
Và điều cuối cùng không thể nhắc tới đó là ánh sáng mờ ảo của mặt trăng đem lại hiệu ứng mờ mờ ảo diệu giữa đêm tối. Mặt trăng vào những ngày tròn nhất cũng không tỏa ánh sáng đủ để soi rọi vạn vật một cách rõ nét như mặt trời, nên chúng ta khi đứng giữa màn đêm có ánh trăng dịu dịu, nhìn đi xung quanh khó xác định rõ ràng mọi thứ, và dễ có những ảo giác kì dị. Con người vốn sợ những điều không hiểu rõ mà.
Chính là vì thế, mặt trăng đại diện cho những gì thiếu cơ sở, thiếu rõ ràng, ma mị, mờ ám. “Ánh trăng lừa dối” từ đó được nhiều nền văn hóa sử dụng cho các ví dụ về sự lặp lờ thiếu rõ ràng.
?????????
Bài viết có tham khảo quyển 1 trong The Dicoverers của Daniel J. Boorstin xuất bản năm 1983.
Ảnh: Anna Rudak