Sao Thổ Trong Tâm Lý Học
Trên bình diện con người, ý thức của sao Thổ về pháp luật được thể hiện thông qua sự tự vệ của lương tâm trong một giới hạn nào đó (hoặc có thể nói đó chính là những phẩm chất đạo đức của chúng ta). Lương tâm ở đây chính là người bảo hộ cho tinh thần, là người thiết lập ranh giới cho bản năng, và cũng xác định được điều mà bản thân cần. Đối với Freud, sao Thổ có mối liên hệ với các quan niệm về siêu ngã – một lí thuyết trong phân tâm học. Những người theo học thuyết Freud đều cho rằng, siêu ngã là một khía cạnh tâm lí với mục đích thực thi các tiêu chuẩn đạo đức theo hướng kiểm soát hoặc ức chế năng lượng cái tôi lẫn bản năng vô thức của con người. Thuyết siêu ngã còn đặc biệt chú trọng đến sự kìm chế các bản năng, điển hình là phần vô thức, tìm kiếm sự thỏa mãn trong chính tâm hồn của chúng ta. Hmm… Có vẻ như Freud đã thấy được nét tương đồng giữa niềm vui và hành động vô thức. Xét cho cùng thì ông ấy cũng đã có được sao Thổ trong cung địa bàn thứ 8 ở Song Tử để giải phóng cho sao Mộc ở cung địa bàn thứ 5. Dù thế nào đi chăng nữa thì trông Freud có vẻ giống như một sao Thổ đang cáu kỉnh.
Đối với các nhà phân tích như Jungian, sao Thổ – ít nhất là trong biểu hiện của nó – có vẻ giống với bóng tối hơn. Liz Greene đã thẳng thắn đưa ra nhận định này một cách hết sức thuyết phục trong cuốn sách bán chạy nhất năm 1976 (tên cuốn sách trong phần Lời tựa). Jung xem bóng tối như biểu tượng của các phẩm chất mà tâm trí ta kiên quyết phủ nhận. Với sự phủ nhận này, chúng ta khó có thể tiếp cận được với vấn đề. Khi những phẩm chất bị kiềm nén từ trong tiềm thức, chúng đã hoàn toàn phó mặc và trao quyền lực cho bóng tối quyết định. Giả sử rằng bóng tối chỉ xuất hiện khi một vật thể được phản chiếu, đó chính là nơi mà một cá thể nhận thức được khó khăn trước mắt để khẳng định cái tôi của mình.
Không chỉ có thế, sao Thổ còn được ví như người giơ đầu chịu báng. Bất kể chúng ta vô tình gán cho ai đó rằng họ cũng có những điểm chưa hoàn thiện như mình thì người ấy có thể trở thành người hứng chịu cho những hành vi mà chúng ta gây ra. Những gì ta từ chối tiếp nhận từ chính tiềm thức của mình, dù là vì lí do gì đi chăng nữa, thì chúng chính xác sẽ trở thành thứ mà ta cảm thấy một cách sâu sắc từ người khác – thường là phê phán một cách vội vã. Bóng tối không giống như những gì đã được đề cập tới trong học thuyết siêu ngã. Thay vào đó, nó có xu hướng trở thành đại diện cho những điều mà thuyết siêu ngã đang cố gắng phủ nhận. Rõ ràng, cả hai trường phái tâm lí này đều đang hướng đến việc chứng minh các khía cạnh phức tạp của sao Thổ mặc dù khác nhau. Có lẽ đây chính là hai mặt của tâm lí.
Sao Thổ, với vai trò là bóng tối, buộc chúng ta phải chấp nhận những tiềm năng không đáng được khao khát của chính hành tinh này. Bằng việc tìm hiểu thêm về các bản chất ngầm (bóng tối) của sao Thổ, chúng ta sẽ trở nên ý thức hơn khi bản thân lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Jung cảm thấy rằng vốn hiểu biết mà ta có được thông qua sự đối đầu với bóng tối thường liên quan đến những công việc đòi hỏi sự tận tụy, tính siêng năng trong một thời gian dài.Và sao Thổ trong mắt các nhà chiêm tinh cũng giống như vậy.
Abraham H. Maslow, “cha đẻ” của môn Tâm lí Nhân văn, chắc chắn sẽ cho rằng sao Thổ chính là biểu tượng của sự khao khát bình yên, là một trong những yếu tố cơ bản và cần thiết. Đối với Maslow, khao khát ấy tương quan với sự ổn định được đoán trước, sự bảo vệ một cách hợp pháp nhất. Nỗi khát khao này giúp chúng ta tránh khỏi sự bất ổn và hỗn loạn về thể chất. Tuy nhiên, nó có thể biến bản năng tự về trở thành mối quan tâm cưỡng bách. Không chỉ thế, tôi thiết nghĩ, Maslow cũng sẽ so sánh sao Thổ cùng với lòng tự trọng. Dường như Maslow cảm thấy rằng, sự uy tín là rất quan trọng. Bất cứ động lực nào giúp chúng ta nhận thấy bản thân xứng đáng với địa vị và tầm ảnh hưởng trong xã hội này đều khiến mình cảm thấy tự hào. Mặc dù điều này nghe có vẻ giống như các nguyên tắc của Mặt trời và chòm sao Sư Tử, nhưng sao Thổ vẫn mong muốn xã hội công nhận nỗ lực và thành quả. Chẳng qua sao Thổ không hay tự nói về các thành tựu của mình như Sư Tử và Mặt trời mà thôi.
Fritz Peris, nhà sáng tạo của liệu pháp Gestalt, có thể đã nhận ra một số đặc điểm của sao Thổ được nhắc đến trong khái niệm “cái tôi” của mình. Đối với Peris, khái niệm này giải thích sự tự vận động của con người trên thế giới. Nó liên quan đến cách sắp đặt và tính kỉ luật. Nó giúp chúng ta nhận thức và phân biệt qua hình thức. Mặc dù sao Hỏa cũng có một vài đặc điểm được nhắc đến, tuy nhiên xu hướng khác biệt của sao Thổ chắc chắn được nhấn mạnh trong phần này. Peris nói về 4 cách thức để liên hệ hoặc cách chúng ta có thể kết nối với chính bản thân và môi trường xung quanh. Một trong những cách thức liên hệ ấy là retroflection. Điều này được thực hiện bởi chính cái tôi của mình, thể hiện sự tự chủ và giúp chúng ta hoàn thiện mục tiêu khách quan hoặc mục tiêu đã được xác định rõ. Khái niệm này khiến ta rất dễ thấy được sự tương quan với sao Thổ.
Liệu pháp Gestalt cũng nói đến chức năng an toàn. Đây là thứ mà dường như những con người của sao Thổ cho đến tôi cũng thấy rằng nó hệt như chất gây tê. Về cơ bản thì nó là một chiến lược do chính bản thân đề ra giúp chúng ta tránh đi tất cả những điều kiện mà bản thân chưa sẵn sàng đón nhận. Chức năng này dường như có chút liên quan đến sao Hải Vương mà trong đó, tất cả đều cùng chung mong muốn là thoát khỏi sự đau đớn ngay trước mắt. Một khi mọi việc đã đi quá xa, chất gây tê này cũng có thể bị thu hồi lại, khiến chúng ta khó mà tiếp cận được. Điều này nghe có vẻ như chúng ta đã sử dụng năng lượng sao Thổ cũng như sao Hải Vương không đúng cách.
Tiến sĩ Eric Berne cùng những người theo dõi liệu pháp Phân tích tâm lí (PTTL) này có thể sẽ gặp một vài vấn đề khi nhìn nhận sao Thổ theo mô tả của The Parent (một trong ba trạng thái về bản ngã của PTTL), đặc biệt là The Critical Parent – một khía cạnh khác hẳn so với The Nuturing Parent (Mặt trăng). Critical Parent của Berne sở hữu tất cả các đặc điểm nguyên thủy của sao Thổ, theo chiều hướng mang tính tiêu cực và gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, một biểu hiện kém của The Parent (còn được gọi là sự loại trừ) có thể dẫn tới một trạng thái tâm lí coi thường pháp luật hoặc không được hướng dẫn một cách hợp tình hợp lí, khiến lương tâm trở nên yếu đuối. Critical Parent của Berne rất thích hợp với hình ảnh “cha đẻ” của Chiêm tinh học truyền thống khi liên kết với sao Thổ. Và những điều này được xem như tình yêu có điều kiện cũng như sự đánh giá đến từ biểu hiện của nhiều người. Giống với sao Thổ, Critical Parent cũng có những mặt đúng và cả những mặt sai. Bất cứ thứ gì không được chấp nhận sẽ bị loại bỏ.
Trên đây là một số trường phái tâm lí học và các học thuyết của những chuyên gia . Điều này khẳng định rằng, các nhà chiêm tinh học đã nắm rõ được nguyên tắc của sao Thổ từ nhiều thế kỉ trước. Rõ ràng, tâm lí chung của tuýp người sao Thổ là cảm giác tội lỗi. Chủ nghĩa cầu toàn của sao Thổ chính là thứ đã khiến cho chúng ta cảm thấy rằng những điều mình làm là không đủ, ý nghĩ ấy cứ luôn đeo bám, ám ảnh. Chúng ta có khuynh hướng phản ứng lại điều này bằng cách tự trừng trị bản thân mình theo hướng vừa công khai vừa tế nhị, hoặc từ chối một cách trực tiếp. Nhưng việc phủ nhận các khuyết điểm lại là sự mở màn cho đàn áp. Cho nên, đây chắc chắn không phải con đường tốt nhất mà ta nên chọn lựa. Nhưng đôi khi nó cũng khiến chúng ta không cảm thấy tổn thương, giống như vừa mới hồi phục sau một chấn thương khủng khiếp, ta hay bị sốc và chẳng thể nhớ gì về cảm giác đau đớn. Thực tế thì sự từ chối tiếp nhận cảm xúc hay suy nghĩ trong vô thức có thể giúp chúng ta có thêm sức mạnh.
Sao Thổ cũng là một hành tinh đại diện cho nỗi sợ hãi và lo lắng của con người. Tất cả các khuynh hướng sợ hãi là phản ứng của sao Thổ ở các mức độ khác nhau, đôi khi chúng ta thấy được, đôi khi không. Giống như con Chihuahua của người hàng xóm Gomez, ai biết được rằng nó vừa mới cắn tôi, và có khi nào nó sẽ cắn tiếp nữa không? Trong hoàn cảnh này, chúng ta không thể biết trước được nên mới phải tự vấn bản thân mình. Trong khi lo lắng tấn công chúng ta, thứ cảm giác mà điều đáng sợ ấy đang đến gần chính là do sao Thổ mang tới. Sự lo lắng và sợ sệt luôn có một điểm chung là: thiếu cảm giác tin tưởng và bảo vệ. Sao Thổ thì tất nhiên chẳng thể nào đáp ứng hết tình yêu thương trong khắp vũ trụ này. Về bản chất, sao Thổ là một phần trong con người của chúng ta, khiến chúng ta có cảm giác rằng nó tách biệt và khác thường so với mọi thứ. Chúng ta sẽ trải qua những đoạn thời gian thời gian khó khăn để giải tỏa rào cản, đem lại tính thống nhất với bất cứ điều gì ngoài kia khi sao Thổ ở bất cứ đâu trong bản đồ sao cá nhân. Sao Thổ là một hành tinh khép kín. Việc khép kín trong suy nghĩ sẽ khiến chúng ta bỏ qua những con người có thể giúp mình giải thoát. Vô tình, chúng ta sẽ tạo nên khoảng trống và phải chịu đựng hậu quả sau đó.
Trầm cảm là kết quả của việc sử dụng sai các chức năng của sao Thổ. Trong tâm lí học, chứng bệnh này có nguyên nhân xuất phát từ sự giận dữ phải kìm nén hoặc chán nản. Rõ ràng, trầm cảm cũng có mối liên hệ nào đó với sao Hỏa và sao Diêm Vương. Các nhà tâm lí học cho rằng, trầm cảm khiến con người thụ động trong việc biểu hiện cảm xúc. Họ đơn giản chỉ không thể hiện gì và cố gắng để cảm xúc không trỗi dậy (mặc dù lựa chọn này là vô thức). Có lẽ bản thân họ sợ bị lên án bởi những khao khát mãnh liệt trong con người mình. Trầm cảm thể hiện được một thứ gì đó rất sao Thổ, bởi đặc tính của nó chính là sự thờ ơ, bơ phờ trong tâm trí, đồng thời thiếu khát khao chinh phục các thử thách (biểu hiện cho sự ức chế đến cùng cực). Căn bệnh trầm cảm của tuýp người sao Thổ khiến chúng ta cảm thấy rằng, trong bất kì tình huống nào, sự phản kháng chỉ là vô vọng, không gì có thể thay đổi và đó hoàn toàn là lỗi lầm của bản thân. Nhưng, xin được khẳng định lại một lần nữa rằng, trầm cảm không chỉ thể hiện bởi sao Thổ mà còn có liên quan đến sao Hỏa (có lẽ sao Hỏa bị “đè bẹp” bởi sao Thổ dưới nhiều hình thức ví như nguyên tắc số 1 và số 11).
Dịch: Trà Giang