Sách Chiêm Tinh Khuyên Đọc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Nếu bạn có khả năng đọc tiếng Anh tốt và muốn tự học Chiêm Tinh, đề cử của tôi là nên bắt đầu với sách của Stephen Arroyo, Bil Tierney hoặc Isabel M. Hickey. Tiếp đó, sách của Donna Cunningham, lý do, những sách cho người mới bắt đầu của 3 tác giả này có thể dễ dàng tìm được nguồn free trên mạng, và viết rất tốt. Khi đã có kiến thức hòm hòm về các hành tinh, 12 cung địa bàn và 12 cung thiên bàn (hoàng đạo) và các góc chiếu, lý thuyết về vận hạn, bạn có thể đọc thử sách của Evangeline Adams và Barbara Hand Clow. Sau giai đoạn này, bạn đã có thể khá tự tin khi đọc các blog Chiêm Tinh tiếng Anh mà không sợ bị loạn vì đã tự có khả năng đánh giá và lọc lựa kiến thức. Trong tất cả các giai đoạn, lời khuyên thiết yếu nhất của tôi là hãy thực hành trên thật nhiều lá số, nhất là những người có nét đặc sắc tiêu biểu trong cá tính, công việc, hành xử. Tin tôi đi, nếu bạn chưa tiêu hóa xong 3 tác giả đầu tiên mà nhảy ngay vào sách của Evangeline Adams, cầm chắc bạn sẽ không tiếp thu được gì hết.
Nếu bạn đủ phong lưu để đầu tư vào đọc sách có bản quyền Chiêm Tinh. Stephen Arroyo, Bil Tierney, Richard Idemon và Donna Cunningham vẫn là 2 đề cử hàng đầu của tôi. Họ còn nhiều sách khác không có bản lậu, và chất lượng còn cao hơn các bản trôi nổi nhiều, vì được viết gần đây hơn, có sự cập nhật các kinh nghiệm mới nhất. Ngoài ra, nếu bạn thích cả bài Tarot thì không nên bỏ qua cái tên Liz Greene. Công bằng mà nói sách Chiêm Tinh của bà này hơi lan man nhưng giàu tính biểu tượng, đọc để có kiến thức hệ thống thì dở, nhưng đọc chỉ để cảm nhận các biểu tượng thì tuyệt.
Khi tham vọng về Chiêm Tinh học của bạn cao hơn chút nữa, lúc đó bạn nên biết tới những cái tên như Alan Leo, Charles E.O. Carter, Edmund Marc Jones, Dane Rudhyar, Stephen Forest, Robert Hand, Robert P. Blaschke, Michael R. Meyer…
Sách của Alan Leo, Michael R. Meyer và Dane Rudhyar hiện nay khá dễ tìm bản free trên mạng. Các tác giả khác đều cần sự đầu tư tương đối vì… bác nào cũng nhiều sách đến muốn chết ngất được, mà toàn sách bản quyền. Trong những cái tên kể trên, Edmund Marc Jones được xưng tụng là người thầy của tất cả các Chiêm Tinh Gia Mỹ hiện đại, còn Dane Rudhyar được coi là Chiêm Tinh Gia có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20. Rất nên đọc để hiểu sự uyên bác và đồ sộ trong khối lượng kiến thức Chiêm Tinh mà họ đã đóng góp cho thế giới. Robert P. Blaschke có cách viết ngắn gọn, súc tích và nặng chiều sâu, rất kén người đọc, không cần phải cố quá với bác này nếu không muốn thành …quá cố. Còn sách của C.E.O Carter chỉ có 1 nhược điểm duy nhất, được viết vào thời kì Neptune và Pluto chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa có Chiron và bộ 360 biểu tượng Sabian. Tuy nhiên, cách tiếp cận vấn đề tuyệt vời của ông khiến những cuốn sách ấy vẫn là kinh điển cho tới tận bây giờ.
Nếu bạn hứng thú với đề tài nghiệp trên lá số, đừng quên nhân vật tiên phong trong lĩnh vực này là Jeffrey Wolf Green, nhiều chiêm tinh gia khác đều ít nhiều đóng góp ở đó, như Steven Forrest, Stephen Arroyo, Noel Tyl… Lưu ý là lĩnh vực này hiện rất sơ khai và nhiểu cuốn sách viết về nó có tính chất kêu gọi thêm người cùng nghiên cứu, thử nghiệm và bổ sung số case luận đoán thực. Hơn nữa, nó là phần khó kiểm chứng nhất trong chiêm tinh nên cần 1 thái độ thận trọng khi áp dụng.
Tất cả các đề cử trên đều là dành cho những bạn muốn nghiên cứu Chiêm Tinh nghiêm túc, có chiều sâu, có thời gian chiêm nghiệm dành cho nó. Còn về dạng sách Chiêm Tinh Mì Ăn Liền (tiếng Anh gọi là cook_books, vầng, công thức nấu ăn) Thì thú thực, tôi lờ lớ lơ nó lâu lắm rồi nên chả biết tên tuổi nào lừng lẫy cả ngoài cái tên Linda Goodman (Và bí quyết để đọc hiểu cuốn Sun Sign của Linda Goodman là hãy coi mỗi bài về 1 sun sign như 1 bài viết nâng bi dành cho người có cung mọc trùng với cái sun sign đó). Bạn có thể xem một số đề mục bên trang Chiêm Tinh Mì Ăn Liền trên blog là hiểu ngay thế nào là Mì Ăn Liền. Có một luật bất thành văn ngày nay là trừ sách của Stephen Arroyo và Liz Greene, tất cả sách Chiêm Tinh đang còn lưu hành mà bán được trên 100 000 bản đều là Mì ăn liền. Tại sao lại có cái luật này thì chắc phải hỏi bản thân độc giả phương Tây. Về 2 ngoại lệ, do sách của Stephen Arroyo viết quá tốt nên rất nhiều người dạy Chiêm Tinh chuyên nghiệp có máu lười đã dùng luôn sách của ông làm giáo trình. Còn Liz Greene thì làm thị trường cực tốt.
Mì Ăn Liền có cái hay của Mì Ăn Liền, và không nên áp quan điểm của 1 kẻ thích đọc sách của những vị, cả đời chỉ bán được vài ngàn bản in mỗi đầu sách bất chấp danh tiếng ngất trời, như tôi lên thiên hạ. Các bạn đang dịch và bán sách hãy cứ dịch và cứ bán, vì mì ăn liền phù hợp thị trường và thị hiếu hơn. Chỉ là, nếu ai đó muốn thực sự hướng tới những ứng dụng của Chiêm Tinh như một công cụ hữu hiệu cho cuộc sống hàng ngày thì đừng nên trông cậy nhiều vào sách Mì ăn liền. Tiêu chuẩn duy nhất để chọn sách Mì ăn liền theo tôi là giở ra đọc thử vài trang, thường là phần mô tả về mình trước, nếu thấy hay hay, đúng đúng, văn phong dễ chịu, đọc dễ vào thì mua.
Chúc các bạn có nhiều niềm vui và khám phá với Chiêm Tinh! 🙂
Theo như em hiểu thì các tác giả và sách trên đều là chiêm tinh hiện đại. Vậy cho em hỏi là muốn nghiên cứu chiêm tinh cổ thì phải làm sao ạ ?