Ký Hiệu Của Sao Thổ
Một thứ mà chúng ta đều nhận thấy trong mỗi biểu đồ đó chính là kí hiệu của sao Thổ (hay còn gọi là biểu tượng của hành tinh). Nó giống như một chữ H cách điệu. Thực chất thì kí hiệu này được tạo thành bởi sự kết hợp của dấu thập tự và hình trăng lưỡi liềm, trong đó dấu thập ở trên hình lưỡi liềm và lệch về bên trái. Trong số các biểu tượng của hành tinh, dấu thập tự đại diện cho biểu hiện của các hình thức vật chất trong phạm vi không gian lẫn thời gian. Bên cạnh đó, dấu thập này còn xác định những thực thể vật lí và sự vật hữu hình. Vậy nên, dấu thập là một phần không thể thiếu trong biểu tượng của sao Thổ. Mặt khác, trăng lưỡi liềm hay vòng bán nguyệt thường đại diện cho “tính cá thể”. Điều này có nghĩa là mọi nhân tố cảm xúc hay tinh thần đều cùng nằm chung trong tầm kiểm soát của bản ngã. Trăng lưỡi liềm còn là linh hồn và các khía cạnh sâu bên trong bản thân chúng ta, là cách chúng ta nhận thức về cả hai mặt cuộc sống cũng như sự tách biệt của nó. Khác với vòng tròn toàn vẹn (biểu tượng của tinh thần vô tận, toàn vẹn, thống nhất và không bị chi phối bởi thời gian), vòng bán nguyệt ẩn chứa một ý nghĩa về sự hạn chế của nhận thức.
Biểu tượng của sao Thổ là lời nhắc nhở cho mỗi chúng ta. Để có thể nhận thức được tất cả quy luật của vật chất, ta cần phải chịu đựng và vượt qua được mọi giới hạn mà thế giới hữu hình này đặt ra. Đây là điều kiện tiên quyết trước khi ta có đủ khả năng thoát khỏi tất cả ràng buộc của các nguyên tắc, chính xác là các nguyên tắc về mọi mặt của vật chất. Không chỉ có thế, nó cũng là điều kiện cần thiết trước khi ta có thể sử dụng các nguyên tắc ấy trong các lĩnh vực siêu vật lí khác. Sự liên kết của vòng bán nguyệt và dấu thập tự này cho thấy một điều hiển nhiên về tinh thần của tuýp người sao Thổ: Tính thống nhất của nhận thức không hoàn chỉnh phần nào giúp bản thân mỗi người cảm thấy có trách nhiệm đối với những hạn chế của mình. Nguyên tắc này được gọi là “vật trên tâm”. Điều này đồng nghĩa với việc phạm vi ảnh hưởng đối với cuộc sống này của mỗi người phụ thuộc vào chính cảm xúc và tinh thần của bản thân.
Mức độ ảnh hưởng mà chúng ta cảm nhận được trùng khớp với vốn hiểu biết hữu hạn của bản thân về nhân quả. Trong chiêm tinh học siêu hình, biểu tượng này giống như bức vẽ chúa Jesus bị đóng đinh trên thánh giá. Từ đó, cho thấy, kí hiệu của sao Thổ đã chứng minh được quy luật nhân quả, đặc biệt là món nợ của nghiệp báo. Không chỉ có vậy, môi trường bên ngoài còn phản ánh được cả suy nghĩ từ bên trong chúng ta. Tất cả những gì chúng ta thể hiện ra cuối cùng cũng sẽ trở lại, như một vòng tuần hoàn với mức độ và ý định như nhau. Trong biểu tượng của sao Thổ, vòng bán nguyệt bị áp đảo bởi sức mạnh của dấu thập tự (dấu thập trong kí tự này còn dài hơn trong cả sao Kim và sao Thủy). Vì thế nên, chỉ có tính cách (chứ không phải tinh thần) chịu sự ảnh hưởng của các quy luật vật chất hữu hình. Khi không được thông suốt, bản thân chúng ta luôn cảm thấy nặng nề khi đối diện với thế giới. Tuy nhiên, một khi đạt được sự tiến bộ song song với sự giác ngộ của chính mình, sức mạnh của cây thập giá giảm hẳn đi và tinh thần sẽ nhẹ nhõm hơn bao giờ hết. Đến lúc ấy, chúng ta sẽ có đủ khả năng bơi giữa biển nước vô tận của cuộc sống, hệt như sao Thổ vậy.
Vào tháng 9-1990, một đốm trắng bắt đầu xuất hiện trên bề mặt sao Thổ. Nó bắt đầu lan rộng và bao quanh cả hành tinh vào tháng 11. Các nhà thiên văn học cho rằng “vết bẩn” giống như tiếng “nấc cụt” của sao Thổ (ôi trời ạ, thật là xấu hổ). Một số đốm trắng nhỏ hơn được ghi nhận vào các năm lần lượt từ 1876, 1903, 1933, 1960, cho thấy hiện tượng này là tuần hoàn trong khoảng thời gian nhất định. “Chu kì ợ hơi” này lặp đi lặp lại khoảng mỗi 27 đến 30 năm, trùng với chu kì của sao Thổ và điều này đối với các chiêm tinh gia mà nói thì tương tự như sự nghịch hành của sao Thổ. Có vẻ như sao Thổ sẽ bị ợ trong mỗi ba mươi năm – đôi khi ta lại thấy rằng nó có thể kéo dài suốt quá trình nghịch hành này vậy. (Nguồn: “New White Spot on Saturn Grows, Changes,” của thời báo Science News, 138:325, 1990: và “Giant Bubble of Gas Rises through Saturn’s Atmosphere,” của tác giả William Brown, một nhà khoa học mới lúc bấy giờ, p.22, October 20, 1990.
Dịch: Trà Giang