Điểm Giao La Hầu – Kế Đô
Moon Nodes
Moon Nodes, các giao điểm của mặt trăng, là tên gọi của hai giao điểm giữa vòng tròn Hoàng đạo, nhìn từ trái đất với đường thẳng tạo ra từ mặt phẳng chứa quỹ đạo của mặt trăng quanh trái đất và mặt phẳng chứa quỹ đạo mặt trời quanh trái đất.
(Minh họa trên chỉ là hình dung theo quan sát chủ quan từ trái đất, tất nhiên trên thực tế chính trái đất mới quay quanh mặt trời, và nhìn từ vũ trụ thì sự thật xảy ra như ở hình dưới)
Thông thường, các lá số Chiêm Tinh mặc định hiển thị chỉ mỗi giao điểm Bắc và ẩn giao điểm Nam đi. Trong thiên văn học, đây là 2 tọa độ vũ trụ quan trọng trong việc tính đoán thời gian xảy ra Nhật Thực và Nguyệt Thực. Còn trong Chiêm Tinh, 2 tọa độ toán học không có hành tinh này có ý nghĩa khá quan trọng trong luận đoán tính cách và khuynh hướng hành xử của cá nhân.
Giao điểm Bắc còn có tên riêng tiếng Việt là La Hầu (phiên âm tiếng Phạn cổ từ Rahu) Ý nghĩa là đầu Rồng, do vậy có trang hiện nay dịch tên của điểm này là Long Thủ. Vì theo truyền thuyết Ấn Độ, con Rồng bất tử nuốt mặt trời và mặt trăng vào ngày Nhật Thực, Nguyệt Thực (mặt trời hay mặt trăng bị ăn) đã bị thần linh chém đứt đôi, hiện tượng Nhật thực là do phần đầu của nó nuốt mặt trời vào nhưng do đã bị chặt đứt nên mặt trời lại chui ra từ cái lỗ ở cổ nó. Nhìn từ Vũ Trụ, điểm này là nơi mặt trăng đi qua để vào phần quỹ đạo nằm bên trên quỹ đạo trái đất (thiên về cực bắc).
Giao điểm Nam còn có tên tiếng Việt là Kế Đô (phiên âm tiếng Phạn cổ từ Ketu) Ý nghĩa là đuôi Rồng, do vậy có trang hiện hay dịch tên điểm này là Long Vĩ. Vì theo truyền thuyết Ấn Độ, con Rồng bất tử nuốt mặt trời và mặt trăng vào ngày Nhật Thực, Nguyệt Thực (mặt trời hay mặt trăng bị ăn) đã bị thần linh chém đứt đôi, hiện tượng Nguyệt thực là do nó nuốt được mặt trăng vào nhưng lại bị chặt đứt đôi nên mặt trăng lại chui ra từ phần đuôi của nó. Nhìn từ Vũ Trụ, điểm này là nơi mặt trăng đi qua để vào phần quỹ đạo nằm bên dưới quỹ đạo trái đất. (Thiên về cực nam).
Nhìn theo góc quan sát từ trái đất, La Hầu và Kế Đô là 2 tọa độ luôn chuyển động nghịch hành so với vận trình bình thường của các hành tinh khác trên vòng tròn Hoàng Đạo. Trong Chiêm Tinh học, mọi con đường nghịch hành đều là sự hướng nội sâu sắc, chúng đặt ra những câu hỏi mà cá nhân chỉ có thể tìm câu trả lời bằng cách nghiêm túc rút lui khỏi thế giới bên ngoài và tự tìm tòi một đáp án bên trong có thể tạo cho nội tâm sự thỏa mãn, vừa ý.
La Hầu là tọa độ chỉ ra nơi chốn và cách thức một cá nhân có thể thông qua để tìm thấy được cảm giác thỏa mãn, hạnh phúc sâu sắc nhất. Sự thỏa mãn của tâm hồn. Cái mà tâm hồn hướng tới theo Thông Thiên Học là các trải nghiệm sống cho phép nó thu thập nhiều kinh nghiệm hơn, hướng tới sự tự hoàn thiện, trọn vẹn. Vì vậy, La Hầu cũng được diễn giải thành nơi chốn và loại năng lượng Hoàng đạo mà tâm hồn của một cá nhân (do thiếu sót kinh nghiệm về nó) muốn được trải nghiệm và sử dụng nhất. Việc sử dụng năng lượng Hoàng đạo này, các sinh hoạt ở cung địa bàn chứa La Hầu hiển nhiên sẽ đem lại niềm vui cho tâm hồn, nhưng hiển nhiên cũng đem lại áp lực và gánh nặng cho con người trên bình diện vật chất, vì họ vốn không quen thuộc với chúng và có rất ít hình dung về việc sử dụng chúng như thế nào cho tốt. Có thể nói là ở khu vực có La Hầu, một người luôn có khuynh hướng “ngu nhưng muốn tỏ ra nguy hiểm”.
Cũng do thiếu kinh nghiệm, các sinh hoạt tại khu vực có La Hầu thường có cách thức tiến hành ngô nghê, vụng về và rất dễ thất bại, nhưng đó là dạng thất bại không gây phiền não trong nội tâm, bởi một lần ngã là một lần bớt dại. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người ta toe toe toét toét kể cả khi ngã chổng vó ở đất của La Hầu. Nó chỉ có nghĩa là lần sau họ lại nhào vô …”tham chiến” ở khu vực đó một cách hăm hở bất chấp lần trước đã ngã đau thế nào và cảm thấy mình làm thế là rất bình thường. Hơn nữa, không phải là họ không biết rút kinh nghiệm mà là kinh nghiệm của họ có rút bao nhiêu lần vẫn cứ… không đủ dùng. Cho nên nó có thể tạo ảo giác như thật là cá nhân không có chút thành ý học hỏi nào trong khu vực đó (thực ra là ngu lâu khó đào tạo), dường như họ cứ mắc đi mắc lại ở đó những sai lầm giống hệt nhau (thực ra chỉ gần giống thôi) Thảo luận về các vấn đề ở khu vực đó với họ thì nói chuyện với cái đầu gối còn sướng hơn (Nhưng mà họ lại rất khoái các vấn đề liên quan ở khu vực đó mới chết). Tóm lại, rất có khí chất điếc không sợ súng hay là nghé mới sinh không kinh gì hổ.
Kinh nghiệm cá nhân của tôi mỗi khi phải va chạm trực diện với cách một người sử dụng cung vị La Hầu của họ hoặc quan sát thường thấy khi một người phải va chạm trực tiếp với cách dùng cung vị La Hầu của 1 người khác là, khụ, đầu tiên là muốn xông ra (hung hãn) dạy bảo giáo huấn họ 1 phen về “kỹ thuật chuyên môn có liên quan”, tiếp đó, cảm giác thường thấy nhất chính là …chỉ muốn bóp chết họ ngay tại chỗ, ngay lập tức. (Va chạm loại này thường xảy ra khi cung địa bàn hay cung Hoàng đạo được nhấn mạnh trên lá số của ta chính là cung vị có La Hầu của người kia. Nói một cách lý thuyết, nó là hiệu ứng như thể toàn bộ năng lượng ở khu vực đó của ta đều bị tự động thu hút hết về phía họ vậy)
Kế Đô là tọa độ chỉ ra nơi chốn và cách thức hành động mà một cá nhân hiểu biết rõ ràng nhất, thậm chí, biết rõ …quá …mức …cần… thiết. Với những người tin vào nghiệp quả luân hồi, nó là chỉ thị cho ta biết loại năng lượng Hoàng Đạo và loại môi trường sinh hoạt nào là thứ một cá nhân quen thuộc nhất trong các kiếp sống quá khứ. Nói một cách đơn giản, nó là thói quen còn tồn đọng lại từ kiếp trước. Quan trọng là, thói quen này không được phần tâm linh trong ta đánh giá cao vì nó đã … chơi chán với cung vị và năng lượng ấy từ lâu rồi, và lưu ý là sự không cần thiết này là sự không cần thiết cho sự trưởng thành hài hòa của tâm linh chứ không phải sự không cần thiết trong đời sống hàng ngày.
Không phải ngẫu nhiên mà tọa độ của Kế Đô được gọi là thói quen từ kiếp trước. Nó là một tọa độ mang khá đậm chất thiên bẩm. Ở vị trí của nó, cá nhân có một sự thành thục tự nhiên không thầy chỉ dạy, không cần qua thực hành trải nghiệm gì đặc biệt. Đã gọi là thói quen thừa kế từ kiếp trước thì nó cũng là 1 bộ phận của cá tính, một cá nhân do đó thường sử dụng năng lượng và sinh hoạt quanh điểm Kế Đô trên lá số rất nhiều, và tất cả mọi người đều cảm thấy họ như thế cũng là đương nhiên, mặc dù, chưa chắc đã thấy thoải mái với cái sự đương nhiên ấy. Thực tế thì sự lão luyện này có thể phát triển thành hàng loạt những động thái hành vi mà người khác cảm thấy …không thể đỡ được. Dân gian ta hay gọi bằng câu “lắm tài nhiều tật”. Sự dồi dào thái quá của 1 năng lượng Hoàng đạo và các kỹ năng trong lĩnh vực mà một cung địa bàn chủ quản thông thường là sự dồi dào cả về mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực, mà mặt tiêu cực lại có vẻ dễ nhận thấy hơn, do các dạng năng lượng có thể cân đối, củng cố và bù khuyết cho nó đều không có được trữ lượng tương ứng.
Tuy nhiên, mỗi khi xuất hiện nan đề đòi hỏi cá nhân phải lựa chọn có ý thức giữa cung vị Kế Đô và cung vị La Hầu thì kết quả bao giờ cũng là họ chọn đối tượng hay cách thức ở cung vị La Hầu, vì trong cảm giác của họ, cách hành xử ở vị trí Kế Đô thường có cái gì đó … có thể coi là rẻ tiền và thấp kém. Thậm chí, có người còn nhảy dựng lên phản đối khi tôi miêu tả các đặc tính thuộc về cung vị Kế Đô của họ (Không phải bằng cách đọc lá số đâu nhá, tôi lúc đó đang trông mặt bắt hình dong đàng hoàng) Một cá nhân chỉ có thể cảm thấy thoải mái với cung vị Kế Đô của bản thân sau khi chính họ đã phát triển được một cách khả quan, tương đối sự hiểu biết, thông thạo và thích ứng với năng lượng và sinh hoạt ở cung vị La Hầu, tiếp đó, năng lượng và sinh hoạt ở 2 cung vị vuông góc với La Hầu và Kế Đô, và điều này đòi hỏi thời gian.
La Hầu và Kế Đô ở mỗi cung Hoàng Đạo trong thời gian khoảng 1 năm rưỡi và đi hết 1 vòng quanh đường Hoàng Đạo mất khoảng 19 năm. Bản thân chúng chỉ là 2 điểm toán học không có chức năng cụ thể trong sinh hoạt của cá nhân như các hành tinh, do đó không thể xét tương quan của chúng với các hành tinh theo cách hiểu thông thường về góc chiếu. Lời khuyên của tôi là không nên tìm hiểu quá nhiều về 2 tọa độ này trừ phi bạn là kiểu người đang hướng tới một đời sống tâm linh viên mãn hơn. Nói thật lòng là ở cả 2 vị trí ấy đều không có được mấy thứ hay ho để nói tới đâu. Đó là lý do 2 tọa độ toán học đặc biệt này thường dứt khoát bị bỏ qua trong luận đoán lá số Chiêm Tinh nói chung, vì đã nói đến nó thì hoặc là người ta sẽ nói về nó một cách cực kì văn hoa trừu tượng hiểu được …mới là lạ, hoặc là người ta … muốn gây sự với bạn.