Cung 12 Và Bóng Ma Tâm Lý
Tâm lý học Jung mô tả một cơ chế tâm lý có thể giúp bạn hiểu rõ cơ chế hoạt động của cung 12 trong lá số chiêm tinh.
1. Khái quát cơ chế phóng chiếu
Ông cho rằng bên trong tâm trí mỗi người luôn tồn tại cơ chế phóng chiếu (projection). Cơ chế phóng chiếu xảy ra bên trong tâm trí của mỗi người. Chúng là chuỗi hành động vô thức mà tâm trí ai cũng kích hoạt, chúng ta gán một phẩm chất nào đó bên trong bản thân chúng ta sang người khác. Thường thì “thứ” mà chúng ta phóng chiếu là một cảm xúc hoặc phẩm chất/thuộc tính mà bản thân không mong muốn/chối bỏ và luôn muốn che đậy – chúng được gọi là cái tôi ẩn khuất (shadow self), hoặc là bóng ma tâm lý, hay Hán Việt gọi là chấp niệm.
Mặc dù bạn có cố gắng che đậy/phớt lờ hoặc từ chối bất kì khía cạnh nào, thì chúng vẫn luôn tồn tại và luôn khiến bạn xao nhãng. Chúng luôn lảng vảng trong tâm trí bạn và bạn không cách nào có thể phớt lờ chúng, vì thế tôi gọi chúng là bóng ma tâm lý. Bằng chứng là bạn luôn soi mói vào tập hợp một số khuyết điểm cố định ở người khác, và cảm thấy khó chịu về nó, dù đôi lúc nó không thực sự tồn tại. Vì tận sâu thẳm bên trong bạn đang cố che giấu những phẩm chất không mong muốn ấy, nên bạn sẽ sinh ra “tật giật mình” khi nhìn thấy điều ấy từ người khác. Thay vì tự nhìn vào nội tâm để đối diện và khắc phục, thì bạn lại cố gắng đánh lừa bản thân bằng cách đổ mọi chỉ trích lên người đối diện.
Ví dụ 1: Lan “nhìn thấy” một khuyết điểm là tính thụ động ở Hòa, điều ấy khiến cô cảm thấy khó chịu hoặc bực bội. Nếu những cảm xúc tiêu cực của Lan về khuyết điểm do cô vẽ ra ở Hòa đủ mạnh, thì cô ấy có thể không nhận thấy được những phẩm chất tốt của Hòa, và sẽ trở nên lạnh lùng, xa cách. Trong vô thức, Lan đang tự chỉ trích chính bản thân vì cô cũng có một khuyết điểm tương tự. Những Lan không nhận ra điều ấy và có thể cho rằng “Tôi không phải là người thụ động- mà là anh ta!”. Đấy chính là lúc Lan đang bảo vệ mình khỏi tiếng nói chỉ trích nội tâm của cô về khuyết điểm bên trong của chính cô. Khi cô ấy làm chệch hướng tiếng nói chỉ trích nội tâm ra bên ngoài, nhắm vào Hòa, thì cô có thể xoa dịu bản thân khi từ chối được chính khiếm khuyết ấy.
Ví dụ 2: Truyện hai nhà sư và cô gái.
Hai nhà sư trẻ đi bộ trên đường trở về chùa, sau chuyến đi công chuyện cho sư phụ. Đến một bờ sông cạn, hai vị sư sắp sửa xăn ống quần để lội bộ qua sông. Có một cô gái ăn mặc rất đẹp tiến đến chào hỏi hai vị sư và xin được giúp đỡ.
– Thưa Thầy, nhờ Thầy cõng giúp giùm em qua sông. Em rất sợ nước, không biết lội nên không thể tự qua sông được. Trời cũng đã quá trưa rồi mà nhà em vẫn còn xa.
Sau một phút suy nghĩ, người sư đệ trả lời:
– Cô chuẩn bị và leo lên lưng tôi, tôi sẽ cõng cô sang đến bờ bên kia.
Đến bên kia bờ, sư đệ để cô gái xuống, chào từ biệt và đường ai nấy đi. Trong nửa đoạn đường trở về chùa, người sư huynh bắt đầu và tiếp tục trách móc sư đệ.
– Tại sao sư đệ đã là người xuất gia mà còn vấn vương cõng cô gái kia?
Sư đệ làm thinh và tiếp tục đi cùng sư huynh. Về đến chùa, sư huynh vẫn còn trách móc. Cuối cùng, sư đệ mới trả lời:
– ĐỆ ĐÃ BỎ CÔ GÁI ẤY BÊN BỜ SÔNG. CHÍNH SƯ HUYNH MỚI LÀ NGƯỜI CÕNG CÔ GÁI VỀ ĐẾN CHÙA.
Vị sư huynh trên đã phóng chiếu chính những ham muốn thầm kín của bản thân lên sư đệ của mình. Dù ông ấy có cố gắng che đậy, thì điều ấy vẫn ám ảnh tâm trí của ông ấy.
Những điều ấy xảy ra một cách vô thức, bạn không thể làm chủ được cho đến khi bạn có đủ sự bình tĩnh và có đủ thời gian tĩnh lặng cho bản thân để nhìn lại vào sâu nội tâm mình. Khi bạn hiểu ra được những chỉ trích của bạn nhằm vào người khác thực ra là dành cho chính cái tôi ẩn khuất của mình, lúc đó bạn mới có thể quay vào bên trong và tỉnh ngộ. Từ đó mới có thể xua đuổi sự chấp niệm và có hướng khắc phục nhằm sống thanh thản hơn. Do vậy, từ khái niệm phóng chiếu này, một số hành giả đã khuyên chúng ta nên sống tỉnh thức bằng cách dành thời gian yên tĩnh cho việc thiền/ngẫm nghĩ lại bản thân, thay vì cứ hối hả chạy đua theo cuộc sống xô bồ ngoài kia. Hiểu người hiểu ta sẽ giúp hạn chế những hiểu lầm và kì vọng không xác đáng.
Một số những phóng chiếu trong tâm lý có thể là bóng sáng (bright shadow), tức là những phẩm chất tốt đẹp mà bạn mong muốn bản thân đạt được – nhưng luôn nghĩ rằng bạn thân không xứng đáng. Và bạn có xu hướng đặt kỳ vọng lên người khác đợi họ làm giúp, nhất là lên con cái. Nếu họ không đáp ứng được kỳ vọng ở bạn, bạn dễ có xu hướng chối bỏ mối quan hệ ấy.
2. Cung địa bàn 12
– Vì thế ở cung 12 trong lá số chiêm tinh của mỗi người, chúng ta thường có khuynh hướng không nhận thức được, không làm chủ được. Nếu bạn có cơ hội trải qua một số tình huống giúp bạn vô tình đối diện với cái tôi ẩn khuất của bản thân, thì bạn cũng không dễ gì chấp nhận nó. Vì thế sẽ có xu hướng đổ lỗi lên người khác và chạy trốn chính bóng ma tâm lý của bản thân. Vậy nên những phẩm chất ở cung 12 thường bị bỏ qua nếu lá số chiêm tinh của bạn không có cấu trúc đặc biệt nào liên quan đến cung vị này.
– Cũng vì chúng ta không ý thức được những phẩm chất ở cung 12, chúng ta thường bất ngờ khi một ai đó sử dụng chính những phẩm chất ở cung 12 để đối xử với chúng ta. Thường chúng ta sẽ thấy bọn có cung mọc trùng với nóc cung 12 của ta thiệt đáng sợ – và có xu hướng đề phòng – vì bọn đấy có thể khiến bạn phải đối diện với cái tôi ẩn khuất mà bạn đang cố vùi lấp/che giấu.
– Cung 12 cũng làm chủ cho sự nghiện ngập/say xỉn/mơ màng/các hành vi điên khùng do một người không thể làm chủ được bản thân. Vì những triệu chứng ấy là hậu quả bộc phát cho chuỗi ngày chạy trốn cái tôi ẩn khuất của chính mình.
3. Hai trường hợp của hai lá số mang vấn đề liên quan đến cung vị 12.
Một người đàn ông có Sao Hỏa cung 12. Người này trong cuộc sống là một người rất nhã nhặn, hiếm khi thấy ông ấy tức giận và thô lỗ với bất kì ai. Nhưng vào những lúc say xỉn – không làm chủ được hành vi của bản thân – ông là một người chồng bạo hành vợ con bằng những lời nói xúc phạm cáu kỉnh, đi kèm với những hành động bạo lực như đập phá đồ đạc, giết hại các vật nuôi, cây cối trong nhà. Sau nhiều năm tìm hiểu, mình biết được rằng ông ấy có một người cha tâm thần, mỗi lần lên cơn điên là có những hành vi bạo lực làm tổn thương người khác. Ông đã phải chứng kiến điều ấy suốt thời thơ ấu, nên đã căm ghét khía cạnh “đàn ông bạo lực” này của cha mình. Từ đó trong tâm trí ông tự động xảy ra cơ chế phòng thủ, luôn cố gắng che giấu những hành động mạnh mẽ, bạo lực vào sâu thẳm bên trong. Trong cuộc sống hằng ngày, ông luôn làm chủ được bản thân và hành động, vì thế chúng ta nhìn thấy một con người lịch sự và luôn cư xử đúng mực, chỉ khi ông đã lâm vào hoàn cảnh thiếu kiểm soát, ông mới bộc lộ những phẩm chất từ cái tôi ẩn khuất mà ông đã cố gắng che đậy suốt nhiều năm trời. Điều này càng lúc càng tồi tệ hơn, khi khía cạnh nam tính mà ông cố che lấp không được người khác nhìn nhận, họ cho rằng ông là người đàn ông nhút nhát, thiếu can đảm. Và mặc dù ông cố che đậy, ông vẫn cảm thấy phẫn nộ khi có người cho rằng ông là một người đàn ông thiếu “khía cạnh nam tính”. Từ đó ông liên tục tham gia các cuộc nhậu nhẹt, vì chỉ khi có men rượu vào người, ông mới đủ can đảm bộc lộ khía cạnh “nam tính” ẩn khuất của ông. Ngày này qua tháng nọ, ông tự mặc định với bản thân, thước đo của sự nam tính ở một người đàn ông chính là việc thằng đàn ông ấy uống được bao nhiêu bia rượu, sau đó ông trút hết những bạo lực ấy lên gia đình để thể hiện rằng “Tao đây cũng rất đàn ông và nam tính”. Và vũng lầy của bóng ma tâm lý ngày càng kéo chân ông xuống khi ông liên tục thể hiện sự nam tính của mình chỉ thông qua việc say xỉn, thiếu kiểm soát và bộc lộ sự bạo lực ra trong những lúc ấy. Việc từ chối không dám đối diện với khía cạnh ẩn khuất này của ông tạo cho ông một vòng luẩn quẩn trong cuộc sống – cho đến khi cha ông không còn trên đời nữa, cũng không thể giải thoát bản thân khỏi chính bóng ma ấy. Tôi gọi đây là một nạn nhân của chấp niệm.
Một cô bé có Chiron cung 12. Cô bé này sợ phải đối diện với chính cái tôi ẩn khuất của bản thân, nên không bao giờ dám ở một mình, không bao giờ dám để cho bản thân yên tĩnh. Nếu phải ở một mình, cô cần có điện thoại hay bất kì phương tiện nào có thể giúp cô bận rộn với các mối quan hệ bên ngoài, để không phải đối diện với người thầy chỉ trích nội tâm mình. Vì thế cô luôn tìm mọi cách để có thể được ở cạnh người khác, tạo ra một thói quen dựa dẫm vào sự có mặt của người bên cạnh. Cô không thể sống nổi nếu phải ở một mình. Nếu bên ngoài có ai nhìn vào cái tôi ẩn khuất của cô, và chỉ ra nó, cô sẽ nhảy dựng lên và cho rằng hoàn toàn là bịa đặt. Cô sẽ tìm mọi cách để không phải thừa nhận những điều ấy vì chúng quá khó khăn để đối mặt.
5 CÁCH ĐỂ NHẬN DIỆN VÀ ĐỐI MẶT VỚI CÁI TÔI ẨN KHUẤT
– Hãy cho bản thân thời gian rảnh rỗi mỗi ngày, 5-10 phút cũng được, ở một mình và yên tĩnh hoàn toàn, không làm gì cả, chỉ nhìn vào một điểm duy nhất trước tầm mắt, ngẫm nghĩ lại về bản thân trong ngày hôm ấy, và hãy tự đánh giá bản thân một cách khách quan nhất có thể.
– Hãy chọn một người bạn tin tưởng, hỏi xin đánh giá của họ về những hành động mà bạn đã làm, nếu bạn đã suy ngẫm mà vẫn chưa đưa ra được những đánh giá riêng, hoặc bạn nghĩ chúng khá chủ quan.
– Hãy tham gia các khóa thiền/các hoạt động nhẹ nhàng giúp thư giãn đầu óc như yoga. Để cho chính bản thân bạn cơ hội để suy ngẫm.
– Sau mỗi lần bạn chỉ trích một ai đó, hãy viết chúng ra giấy và tự đặt câu hỏi cho bản thân, rằng chúng ta đã từng có lúc nào hành xử y hệt như vậy chưa? Tiếp theo đó hãy suy nghĩ cách thức khắc phục chúng. Nếu bạn không thích cách một ai đó đối xử với bạn, thì tốt nhất bạn cũng đừng đối xử với người khác theo cách tương tự.
– Nếu có thể, hãy đọc các tác phẩm của Nam Cao, và tập cách phân tích tâm lý nhân vật. Để nhận thức được các loại chấp niệm mà mỗi nhân vật đang giữ trong lòng, từ đó bạn có thể tự nghiệm lại bản thân một cách sáng suốt hơn.