Cách Xác Định Vertex Trên Lá Số
Trước khi quan tâm đến Vertex, tôi cho rằng chúng ta cần tìm hiểu 1 chút về các thuật ngữ mô tả giúp xác định ra vị trí của nó trên bầu trời. Như hình ảnh bạn nhìn thấy ở trên. Nếu nhìn từ vũ trụ với mặt trời là trung tâm của thái dương hệ và toàn bộ các quỹ đạo hành tinh được xếp trên 1 mặt phẳng nằm ngang. Phần phơi sáng của trái đất đang đối diện với mặt trời và là ban ngày. Phần khuất sáng đương nhiên là ban đêm. Hình cầu rỗng có tâm trùng với tâm trái đất có chứa đường Hoàng đạo màu vàng với 12 cung hoàng đạo gọi là bầu trời biểu kiến. Với giả thiết trái đất đứng yên theo quan sát từ mặt đất của chúng ta, mặt trời sẽ mọc lên và lặn xuống trên bầu trời biều kiến này, dọc theo đường Hoàng đạo. trong khi trên thực tế, nó đứng yên và trái đất thì quay quanh trục của chính mình tạo ra ngày và đêm thay đổi. Mặt phẳng đi qua xích đạo của trái đất sẽ cắt bầu trời biểu kiến này tạo ra 1 đường tròn gọi là đường Xích Đạo biểu kiến (celestial equator) Giao điểm của Đường Hoàng Đạo (Ecliptic) và đường Xích Đạo biểu kiến là 2 điểm Xuân Phân và Thu Phân. Khi mặt trời đi đến 1 trong 2 điểm này, đó là thời gian trong năm mà ngày và đêm có độ dài ngang nhau.
Tóm lại, khi nhìn trái đất ở góc độ từ ngoài vũ trụ, chính là hình ảnh quả cầu với 1 trục nghiêng 23.5 độ như những quả địa cầu ta thấy trong sách địa lý như 2 hình vẽ trên. Đường chân trời (Horizon) trong hình minh hoạ chính là đường màu đỏ nằm dọc kia (chứ nó lại không nằm ở chiều ngang như mắt ta vẫn nhìn thấy ngoài đời). Nó là 1 đường tròn lớn tạo ra từ giao điểm của bầu trời biểu kiến với mặt phẳng đi qua tâm trái đất, vuông góc với đường thẳng kẻ qua vị trí người quan sát và tâm trái đất, vị trí của nó, do vậy, là duy nhất xác định cho mỗi toạ độ quan sát từ mặt đất, nhưng cũng thay đổi tuỳ theo toạ độ đứng của ta trên mặt đất. Trong bố cục bầu trời biểu kiến này, do giả định trái đất đứng yên, nên đường Hoàng đạo được coi là đang quay từ Đông sang Tây (vầng, mọc lên từ phía Đông, lặn dần xuồng phía Tây) Thực ra nhìn từ vũ trụ thì đường Hoàng đạo đứng yên, còn trái đất quay từ Tây sang Đông. Vì giả thuyết trái đất đứng yên này dẫn tới người quan sát trên trái đất cũng coi như đứng yên, dẫn tới đường chân trời Horizon cũng đứng yên. Và đó là lý do giao điểm của đường chân trời với đường Hoàng đạo (Ecliptic) luôn thay đổi toạ độ trên đường Hoàng Đạo theo thời gian, tuỳ theo toạ độ của người quan sát nó trên mặt đất. Giao điểm của đường chân trời và đường Hoàng đạo trên mô hình quan sát này, ở bán cầu Đông gọi là AC (Ascendant), ở bán cầu Tây gọi là DC (Descendant). Đây là 2 toạ độ quan trọng cần tìm khi cắt 1 lá số Chiêm Tinh. Và cũng do vậy, những người sinh ra vào cùng 1 thời điểm ở những toạ độ địa lý khác nhau, dẫn tới có đường chân trời khác nhau, trong lúc đường Hoàng Đạo tạm thời chưa thay đổi vị trí, sẽ có cùng toạ độ hành tinh trên vòng Hoàng đạo, nhưng lại có 12 nóc cung địa bàn, trong đó có AC và DC phân bố khác hẳn nhau.
Còn nếu bạn tò mò muốn biết luôn về đường Meridian, thì nó là đường tròn vẽ ra trên bầu trời biểu kiến bởi mặt phẳng đi qua tâm trái đất, vuông góc với mặt phẳng Horizon và nhân tiện đi qua 2 cực của trái đất (tức là 2 điểm trên trục quay của trái đất, polar axis) Quan sát từ mặt đất, nó là đường tròn chạy từ Bắc qua Nam vắt qua Zenith, tên riêng cho điểm cao nhất trên bầu trời, theo vị trí quan sát. Giao điểm của Meridian và đường Hoàng đạo (Ecliptic) chính là 2 điểm MC và IC trên lá số.
Có 1 mặt phẳng khác đi qua tâm trái đất cũng vuông góc với mặt phẳng chứa đường chân trời, nó cũng vẽ lên bầu trời biểu kiến 1 hình tròn khổng lồ nữa, ngại quá không có tên tiếng Việt, còn tên tiếng Anh của cháu nó là Prime Vertical. Trong hình học không gian 3 chiều, số lượng mặt phẳng vừa đi qua 1 điểm cố định vừa vuông góc với 1 mặt phẳng cố định bất kì là … nhiều vô cùng. Đặc điểm giúp xác định ra mặt phẳng chứa Prime Vertical là nó còn đi qua cả 2 giao điểm của đường chân trời Horizon với đường xích đạo biểu kiến. Hiển nhiên, với mỗi đường chân trời được xét từ 1 toạ độ quan sát, đồng thời chính là toạ độ sinh của cá nhân có lá số cần xét, có 1 và chỉ 1 đường tròn Prime Vertical tương ứng với nó trên bầu trời biểu kiến. Và 2 giao điểm của Prime Vertical với đường tròn Hoàng đạo của chúng ta, lần lượt chính là Vertex và anti-Vertex. Trong đó, Vertex được quy ước là luôn thuộc bán cầu Tây trên lá số, còn anti-Vertex, đối xứng với Vertex trên đường Hoàng đạo và thuộc bán cầu Đông.
Vertex và anti-Vertex do vậy, cũng thay đổi toạ độ nhanh không kém gì AC trên 1 lá số, chúng thay đổi toạ độ theo toạ độ sinh của cá nhân, và chúng thay đổi toạ độ theo thời gian thực.
Được rồi, tìm hiểu về Thiên Văn Học thế là đủ, muốn tìm Vertex, cách nhanh nhất là bạn vào Astro.com, chọn extended chart, cuốn xuống cuối trang, và bấm chọn Vertex trong bảng chọn Additional objects. Xem lại cách cắt lá số: >click<
Từ cách thức xác định ra Vertex. Ấn tượng đầu tiên của tôi về toạ độ này là, mức độ cá biệt hoá của cung chứa nó cho mỗi cá nhân, tuỳ thuộc vào thời gian sinh và địa điểm sinh, cũng tương đương Cung Mọc, và toạ độ mà nó có mặt cũng cá biệt như vậy, không kém gì toạ độ điểm mọc AC. Tuy nhiên, AC và 11 nóc cung còn lại được định ra trên đường Hoàng đạo là dựa trên 12 biến hoá của đường tròn chân trời Horizon theo thời gian, mang ý nghĩa về sự thay đổi của toàn cảnh không gian trên mặt đất, trong nghiên cứu sâu lá số, AC là điểm quan trọng nhất giúp xác định ra cấu trúc dòng đời của cá nhân và toàn bộ bố cục chính của lá số với 12 nhóm lĩnh vực sinh hoạt chủ chốt trong cuộc sống trên trái đất. Nó là bối cảnh và hướng đi của hiện kiếp. Còn Vertex và anti-Vertex, được tìm ra là dựa trên 1 mặt phẳng khác vuông góc với mặt phẳng của toàn cảnh, tức đường chân trời vào thời điểm xác định lá số. Ít nhất, thông tin nó mang lại là 1 tầm nhìn khác có được khi đứng bên ngoài toàn cảnh. Mặt phẳng chân trời Horizon là toàn cảnh trên mặt đất, theo ngôn ngữ biểu tượng, là biểu tượng của không gian, còn các mặt phẳng vuông góc với nó, kết nối mặt đất và vũ trụ, theo ngôn ngữ biểu tượng, thuộc về thời gian. Và nó là thời điểm trên dòng thời gian nằm ngoài thời điểm bắt đầu của hiện kiếp.