Cung Mọc Và Khái Niệm Của C.G. Jung Về Persona
Nội dung trong chương này được tham khảo chủ yếu từ tác phẩm của chiêm tinh gia kiêm nhà tâm lý học phân tích, Liz Greene, cùng chiêm tinh gia quá cố, Richard Idemon. Tại một trong các buổi hội thảo của họ vào những năm 1980, lần đầu tiên tôi được nghe cuộc thảo luận về mối quan hệ giữa Cung Mọc và luận điểm của nhà tâm lý học C.G. Jung về persona. Cung Mọc trong chiêm tinh học và persona trong tâm lý học không hoàn toàn tương ứng. Tuy nhiên, vẫn có những điểm tương đồng hết sức thú vị và rõ ràng có thể làm sâu sắc thêm hiểu biết của chúng ta không chỉ về Cung Mọc, mà còn về Cung Lặn và toàn bộ trục Cung Mọc-Cung Lặn.
Hãy nhớ rằng Mặt trời đại diện cho sự minh mẫn, cho cái tôi hoặc phức hợp cái tôi của một người theo ngôn ngữ của một nhà tâm lý học. Mặt trời là cảm giác của một người khi biết tự nhận thức, một người riêng biệt và nổi bật trong những người khác. Mặt trời là danh tính của ta, là phần trong ta xuất hiện thường xuyên nhất trên ghế lái tâm hồn.
Persona là chiếc mặt nạ chúng ta đeo trong thế giới này. Từ “persona” xuất phát từ tên của những chiếc mặt nạ mà các diễn viên kịch cổ điển từng đeo. Nó có chức năng như một chiếc loa nói, nhằm phóng đại giọng nói của diễn viên và khiến nó dễ nghe hơn ở khán phòng phía sau. Đôi khi chiếc mặt nạ cũng thể hiện kiểu vai diễn mà nhân vật hóa thân, và đôi khi vai diễn đó là mẫu rất dễ nhận biết hoặc là một nhân vật điển hình, hay một thành viên của “dàn hợp xướng” tập thể.
Trong “Định nghĩa”, trích Các loại hình tâm lý (Collected Works 6, Princeton, NJ: Bollingen, 1967), Jung cho rằng persona là một thái độ được tiếp nhận (in nghiêng để nhấn mạnh), và:
“Cá tính thực có sự khác biệt… Persona theo đó là một phức hợp chức năng tồn tại vì lý do thích nghi hoặc thuận tiện cho cá nhân, nhưng hoàn toàn không tương đồng với cá tính về mặt ý nghĩa. Persona chỉ liên quan duy nhất đến mối quan hệ với khách thể. Mối quan hệ của cá nhân – khách thể phải được phân biệt rõ ràng với mối quan hệ cá nhân – chủ thể. Khi nhắc tới “chủ thể”, đầu tiên tôi muốn nói rằng tất cả những khởi đầu, tình cảm, suy nghĩ và cảm nhận mơ hồ chảy đến với ta không phải từ dòng kinh nghiệm liên tục rõ ràng và có ý thức của khách thể, mà tuôn ra như một tác động gây lo lắng, ức chế, đôi khi có thể có ích từ cái sâu thẳm tăm tối bên trong, từ hoàn cảnh và những hầm ngầm tâm thế, cấu thành, theo tổng thể của chúng, nhận thức của chúng ta về đời sống vô thức. Chủ thể, được coi là “khách thể bên trong”, là vô thức. Cũng giống như việc tồn tại một mối quan hệ với khách thể bên ngoài, hay thái độ bên ngoài, ta cũng có một mối quan hệ với khách thể bên trong, hay thái độ bên trong. Ta dễ dàng hiểu được rằng thái độ bên trong này, do bản chất hết sức riêng tư và không thể tiếp cận của nó, khó nhận biết hơn rất nhiều so với thái độ bên ngoài mà mọi người có thể lập tức quan sát thấy.”
Đoạn văn trên có ý nghĩa gì? Đây là cách lý giải của tôi về những luận điểm của Jung như đã được trình bày chi tiết trong phần I tôi vừa trích dẫn. Các ý kiến hoặc bình luận của tôi về những luận điểm đó, chỉ khi chúng liên quan tới chiêm tinh học, được đưa ra sau từng luận điểm và được đặt trong ngoặc đơn hoặc ngoặc kép.
Đầu tiên, Jung cho rằng persona không phải là cá tính. (Cung Mọc không phải Mặt trời, dù tôi hoài nghi liệu Mặt trời trong chiêm tinh học và cái mà Jung gọi là cá tính có hoàn toàn tương ứng.)
Thứ hai, Jung tuyên bố persona là một thái độ được xây dựng và tiếp nhận, một sự thích nghi mang tính chức năng. (Theo đó, ở nhiều mức độ, chính là Cung Mọc, dù nguyên liệu thô xây dựng nên thái độ – chòm sao và các hành tinh nằm ở Cung địa bàn số 1 – là bẩm sinh.)
Thứ ba, Jung tin rằng persona chỉ liên quan tới mối quan hệ của chúng ta với thế giới vật chất, thái độ bên ngoài của chúng ta đối với thế giới khách quan nằm ngoài bản thân. (Tôi có vài bình luận và ý kiến ở đây, nên để rõ ràng, tôi sẽ đánh số chúng:
- Cung Mọc có liên hệ căn bản với ”quan hệ đối ngoại” của chúng ta, các mối quan hệ của chúng ta với thế giới bên ngoài.
- Cung Mọc thích nghi với thế giới bên ngoài, thế giới vật chất, theo một cách cụ thể mà một phần là do bản chất của thế giới bên trong, vốn là thế giới vô thức chủ quan.
- Cung Mọc thích nghi với thế giới bên ngoài theo một cách cụ thể không chỉ vì bản chất của vô thức, mà còn do bản chất của phần còn lại trong bản đồ sao – điều mà con người có thể không nhận biết được.
- Cung Mọc thích nghi nhằm bảo vệ hoặc bày tỏ phần còn lại trong bản đồ sao.
- Nếu chỉ nhìn vào một bản đồ sao, ta không thể biết được liệu chủ nhân của nó có hay không ý thức về sự đa dạng của các hình thể khác nhau thuộc bản đồ sao, hay mức độ nhận biết hoặc không nhận biết. Ý thức là một trạng thái năng động, bận rộn và do đó có thể thay đổi, dù sự thay đổi đó là thoái hóa hay phát triển.)
Hãy cùng thảo luận sâu hơn một chút về suy nghĩ của Jung, nhưng trước đó, nhớ rằng Cung Mọc trong chiêm tinh học cũng có đối nghịch: đỉnh cung địa bàn số 7, Cung Lặn.
Cung Lặn là chòm sao đang lặn vào thời điểm bạn được sinh ra. Cung địa bàn số 7 là “cung địa bàn hôn nhân” truyền thống. Nó là cung địa bàn của sự thân mật. Ta cảm nhận được các đặc trưng của đỉnh cung địa bàn số 7 và các hành tinh tại cung địa bàn đó bổ sung cho ta, phù hợp với ta, và là mảnh quan trọng ta đang còn thiếu trong bức tranh xếp hình. Khi gặp được một người sở hữu những đặc trưng của cung địa bàn số 7 của mình, chúng ta gần như luôn luôn có phản ứng với người đó, thường là với tình cảm yêu thích nồng nhiệt. Nhưng nếu tưởng tượng họ có một số đặc điểm không được ta công nhận, có lẽ ta sẽ đáp lại họ bằng sự căm ghét mãnh liệt – cung địa bàn này cũng đồng thời là “cung địa bàn công khai thù địch” truyền thống.
Ta luôn khác biệt với những người là đại diện tiêu biểu cho năng lượng cung địa bàn số 7 của mình. Tại sao? Vì Cung Mọc và Cung Lặn tạo thành một trục: cung địa bàn của bản thân, và cung địa bàn của người khác. Chúng tạo nên sự đối lập, tạo nên góc hợp giữa sự nhận thức được tăng cường về nhau và nhu cầu cân bằng, như thể hai người ngồi trên hai đầu của chiếc bập bênh.
Nếu cung địa bàn số 1 tương thích với khái niệm của Jung về persona, liệu ta cũng có thể suy nghĩ về cung địa bàn số 7 dưới ánh sáng tư tưởng của Jung? Và liệu những suy nghĩ đó có thể bổ sung cho vốn hiểu biết của ta về Cung Mọc trong chiêm tinh học?
Tôi nghĩ câu trả lời cho hai câu hỏi trên đều là có, dù vẫn phải nhắc lại rằng Cung Mọc không hoàn toàn giống với persona của Jung. Dưới đây tiếp tục là một trích dẫn từ Jung (Trích “Định nghĩa” trong Các loại hình tâm lý, Collected Works 6, Princeton, NJ: Bollingen, 1967):
Tính cách bên trong là cách mà một người ứng xử trong mối quan hệ với các tiến trình tâm linh nội bản; nó là thái độ bên trong, là bộ mặt tiêu biểu hướng về vô thức. Tôi gọi thái độ bên ngoài, hay bộ mặt bề ngoài, là persona; còn thái độ bên trong, hay bộ mặt nội tâm, là anima.
Trong trường hợp người đó là phụ nữ, Jung gọi thái độ bên trong hay bộ mặt nội tâm này là animus. Và dù người đó là đàn ông hay phụ nữ, thì dáng vẻ bên trong này cũng biểu hiện một mặt khác giới. Nó đại diện cho hình ảnh nữ giới hoặc nam giới trong nội tâm người đó. Theo Jung, anima hoặc animus cai quản mối quan hệ của một người với thế giới bên trong, cũng như persona cai quản mối quan hệ của một người với thế giới bên ngoài.
Vậy tức là cung địa bàn số 7 đại diện cho anima hoặc animus của một người, và nó cai quản mối quan hệ của chúng ta với thế giới bên trong?
Đúng, không đúng và đôi khi, theo ý kiến của tôi. Tôi không phải một nhà tâm lý học; tôi chỉ thảo luận về các luận điểm của Jung vì chúng có thể giúp khai sáng về Cung Mọc trong chiêm tinh học.
Phát triển các khái niệm này xa hơn nữa. Hãy tập trung: đây là một luận điểm quan trọng nữa của Jung mà tôi sẽ truyền tải thông qua các mẩu trích dẫn đi kèm với bình luận và ý kiến của tôi.
“Khi đã tới mức độ thế giới mời mọc các cá nhân đồng hóa với chiếc mặt nạ, anh ta sẽ mất quyền kiểm soát về tay những ảnh hưởng từ bên trong.” (“Mối quan hệ giữa Bản ngã và Vô thức”, Hai bài luận, Collected Works 7, Princeton, NJ: Bollingen, 1967. In nghiêng để nhấn mạnh.)
Dưới đây, bạn sẽ đọc những điều Jung cho rằng có thể xảy ra, được tuyên bố lần đầu dưới dạng thuật ngữ phổ thông và trừu tượng, khi một người bị “mất quyền kiểm soát về tay những ảnh hưởng từ bên trong”:
“Sự đồng hóa với persona tất yếu dẫn tới sự đồng hóa vô thức với anima, bởi khi cái tôi không được tách rời khỏi persona, nó không thể có quan hệ ý thức với những tiến trình vô thức. Hệ quả là, cái tôi trở thành chính những tiến trình này, nó đồng hoá với chúng. Bất cứ ai tự đồng hoá mình với vai diễn ngoài đời chắc chắn sẽ rơi vào những tiến trình tâm lý; hoặc anh ta sẽ bất mãn với vai diễn ngoài đời do sự đòi hỏi tuyệt đối của nội tâm, hoặc sẽ biến nó thành điều ngớ ngẩn thông qua tiến trình chuyển đổi thái cực. Anh ta có thể sẽ không còn đi theo con đường riêng của mình nữa, và cuộc đời anh va vào hết ngõ cụt này đến ngõ cụt khác. Hơn nữa, anima sẽ không thể tránh khỏi việc phóng chiếu lên một đối tượng thật ngoài đời mà anh ta có quan hệ gần như hoàn toàn phụ thuộc. Mỗi phản ứng đối tượng này thể hiện sẽ ngay lập tức có tác động làm suy yếu nội tâm chủ thể.” (”Định nghĩa”, Các loại hình tâm lý, Collected Works 6, Princeton, NJ: Bollingen, 1967.)
“Chuyển đổi thái cực”, một từ xuất hiện trong đoạn trích dẫn trên, mang ý nghĩa xu hướng một thái cực lật ngược về phía đối diện: ví dụ, tín đồ Thanh giáo tin vào tình dục tham gia buổi truy hoan; người vô thần cải đạo,…
Trong phần tiếp theo, Jung đưa ra một số ví dụ xác thực và cụ thể về điều có thể xảy ra khi ta đồng hóa quá mức với chiếc mặt nạ. Đây là trích dẫn dài nhất và cũng là cuối cùng từ Jung trong chương này, và những luận điểm của nó hết sức quan trọng đối với cuộc thảo luận về Cung Mọc của chúng ta. Sau phần trích dẫn này, tôi sẽ giải thích tại sao.
“Xây dựng một persona phù hợp với tập thể nghĩa là nhượng bộ với thế giới bên ngoài, là hy sinh để (có thể) khiến cái tôi gắn bó chặt chẽ với persona, để người ta tin rằng họ là con người mà mình ngụy tạo. Tuy nhiên, sự “vô hồn” của thái độ ấy là rất rõ ràng, vì dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vô thức cũng sẽ không bao giờ khoan dung cho sự thay đổi trọng tâm của nó. Khi thận trọng nghiên cứu những trường hợp như vậy, chúng tôi phát hiện ra rằng lớp mặt nạ xuất chúng đều được đền bù bằng “đời sống cá nhân” diễn ra phía sau… Bất cứ ai xây dựng cho mình một persona quá chỉn chu tất yếu sẽ phải trả giá bằng bản tính dễ bị kích động. Bismarck lên cơn khóc lóc thảm thiết, Wagner yêu khoảnh khắc được bí mật đắm mình trong những bộ trang phục yêu kiều của phái nữ, Nietzsche viết thư gửi “thầy Lạt-ma kính yêu,”… Nhưng có thứ tinh tế hơn so với sơ suất tầm thường của các anh hùng. Tôi từng quen một nhân vật rất đáng kính – thực ra, có thể dễ dàng gọi ông là một vị thánh. Tôi bám đuôi ông suốt ba ngày trời, nhưng không bao giờ tìm được lấy một khuyết điểm trần tục nơi ông. Những cảm xúc tự ti của tôi trở nên đáng ngại, và tôi bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ nên làm thế nào để cải thiện bản thân mình. Và rồi, vào ngày thứ tư, vợ ông đến hỏi ý kiến tôi… Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng việc như vậy xảy đến với tôi. Nhưng có một điều mà tôi học được: bất cứ người đàn ông nào hòa làm một với persona của mình đều có thể trút mọi buồn phiền bộc lộ lên người vợ mình mà chính bà cũng không để ý, dù phải chịu đựng chứng loạn thần kinh chức năng để trả giá cho sự hy sinh này.
Việc gắn bó chặt chẽ với vai trò xã hội rất dễ dẫn đến loạn thần kinh chức năng. Anh không thể vứt bỏ chính mình để hỗ trợ một nhân cách nhân tạo mà không phải trả giá. Nếu nỗ lực làm vậy, trong tất cả các trường hợp bình thường, đều mang đến phản ứng vô thức dưới dạng tâm trạng tồi tệ, tác động, ám ảnh sợ hãi, tư tưởng bị cưỡng chế, tái phạm, thói xấu… “Người đàn ông mạnh mẽ” trong xã hội thường là một đứa trẻ chỉ quan tâm đến trạng thái cảm xúc của bản thân trong cuộc sống cá nhân; kỷ luật công cộng (mà anh ta đòi hỏi người khác phải tuân theo một cách khá cụ thể) sụp đổ trong cuộc sống riêng. “Hạnh phúc trong công việc” dự báo một nét mặt ủ rũ khi ở nhà; đạo đức xã hội “không tì vết” trông thực sự rất kì lạ đằng sau chiếc mặt nạ… và vợ của những người đàn ông đó đều sẽ có chuyện hay để kể. Còn về chủ nghĩa vị tha không ích kỉ, các con của anh ta sẽ có quan điểm rõ hơn về điều này.“ (“Mối quan hệ giữa Bản ngã và Vô thức”, Hai bài luận về Tâm lý học phân tích, Collected Works 7, Princeton, NJ: Bollingen, 1967.)
Tại sao chúng ta lại đào sâu nghiên cứu những tài liệu này của Jung?
Là bởi khái niệm then chốt trong đó rằng nếu ta đồng hóa quá mức với persona hoặc Cung Mọc của mình, nghĩa là ta đang hướng tới rắc rối theo nhiều cách khác nhau.
Đầu tiên, chúng ta chịu rủi ro sẽ đánh mất liên hệ với một phần hoặc toàn bộ cái tôi bên trong mình, dù ta có nhận thức được những cái tôi bên trong đó hay không, và dù những cái tôi bên trong đó được Mặt trời, Mặt trăng hay các hành tinh lớn khác đại diện.
Thứ hai, chúng ta chấp nhận rủi ro sẽ bị khuất phục trước sự hấp dẫn hoặc ác cảm cưỡng chế tự động – bạn có nhớ một tên gọi của cung địa bàn số 7 là “cung địa bàn công khai thù địch” không? – của bất cứ ai sở hữu năng lượng Cung Lặn của chúng ta. Sự hấp dẫn ấy có thể và thực sự xảy ra dù người khơi gợi nó có sở hữu năng lượng cung địa bàn số 7 theo cách lành mạnh hay không.
Thứ ba, chúng ta chấp nhận rủi ro sẽ vô thức chỉ định cộng sự của mình vào vai người được phóng chiếu năng lượng cung địa bàn số 7, và rủi ro sẽ khiến họ không thể thể hiện được hết mình trong vai diễn đó. Sớm muộn gì, những người khỏe mạnh cũng sẽ vùng lên chống lại bổn phận gây hại cho sự toàn vẹn của cả hai phía này. Nhưng nếu chúng ta vẫn đang đồng hóa quá sâu với năng lượng cung địa bàn số 1 của mình, ta không đủ hiểu biết về những bản ngã bên trong ta, và/hoặc chúng ta đang phóng chiếu năng lượng cung địa bàn số 7, thì đến khi cộng sự của chúng ta phá bỏ nhân vật có vai trò phóng chiếu đó, ta sẽ trở nên hết sức bối rối. Ta cảm nhận được, dù có ý thức hay không, rằng không chỉ mối quan hệ bị đe dọa, mà cả vài phần thâm tâm cũng vậy. Cuối cùng, để dẹp bớt nhiễu loạn và nhằm chứng tỏ sự đúng đắn trong tâm trí mình, theo một cách nào đó, chúng ta tự cho bản thân là đúng bằng cách để người cộng sự thay mặt chịu trách nhiệm.
Cung Mọc của ta, chiếc mặt nạ của ta, bảo vệ cho ta và bộc lộ con người ta, nhưng ta liều mạng đồng hóa quá mức với nó. Các mối quan hệ có thể đưa chúng ta mặt đối mặt với một Phần Khác hấp dẫn hoặc khó chịu không phải bản thân ta, chí ít là trong lần đầu tiên ta trải nghiệm trạng thái đối kháng ấy với một Phần Khác. Thực ra, mối quan hệ lần đầu tiên đưa ta mặt đối mặt với thứ không phải mặt nạ của ta. Bằng cách liên hệ có ý thức với Phần Khác đó, chúng ta có thể đạt được sự toàn vẹn hơn nữa. Ta có thể hiểu rõ hơn mặt nạ của ta là gì, danh tính của ta là gì, và làm thế nào để hai đối tượng tương tác với nhau và với người khác.
Do đó, hiểu về mặt nạ – Cung Mọc của chúng ta – cũng sẽ giúp phát triển những hiểu biết về đối nghịch của chúng – Cung Lặn – và lý do tại sao hai đối nghịch này có thể tạo sự hấp dẫn hoặc gây khó chịu. Chúng ta sẽ dành nhiều thời gian hơn cho khái niệm này trên nền tảng Cung Mọc-và-Cung Mọc trong mục kết hợp chúng lại của cuốn sách này.
Hãy chuyển sang Chương Ba, và nghiên cứu về những điều mà thế giới kịch nghệ có thể dạy ta về Cung Mọc.
Nhưng trước đó, nếu bạn là chiêm tinh gia thực tập hay một sinh viên, và bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về những luận điểm đã được thảo luận trong chương này, tôi sẽ cho bạn một số đề xuất. Một vài bài tập bao hàm những ý tưởng rất phức tạp mà bạn có thể sẽ phải dành nhiều năm suy ngẫm, vì vậy đừng hy vọng sẽ sớm rút ra được kết luận. Hãy để bản thân bắt đầu nghĩ ngợi về chúng.
- Bạn cảm thấy persona của mình khác biệt như thế nào với cái tôi cá nhân?
- Thái độ của bạn với thế giới bên ngoài khác biệt như thế nào với thái độ của bạn về cuộc sống nội tâm?
- Liệt kê ba phẩm chất mà bạn hết mực yêu mến ở người khác, những phẩm chất mà bạn muốn có ở một người bạn hoặc trong một mối quan hệ thân thiết. Sau đó liệt kê ba phẩm chất mà bạn cực kỳ căm ghét ở người khác và không muốn chúng tồn tại ở một người bạn hoặc trong một mối quan hệ thân tình. Bạn sở hữu bao nhiêu trong số những phẩm chất đó? Mỗi phẩm chất có liên hệ như thế nào với Cung Mọc hoặc Cung Lặn của bạn? Nếu bạn không có được câu trả lời từ cuộc đời của chính mình, hãy sử dụng cùng những câu hỏi đó để hỏi một người bạn có bản đồ sao mà bạn hiểu rõ.
- Hãy nghĩ về những thời điểm trong cuộc đời mà bạn đồng hóa mạnh mẽ nhất với năng lượng Cung Mọc của mình và, đồng thời, những thời điểm bạn có liên kết yếu nhất với phần còn lại của bản đồ sao. Các mối quan hệ của bạn trong những khoảng thời gian đó như thế nào – tất cả các mối quan hệ, không chỉ là tình yêu? Liệu bạn có thể kéo được nguồn năng lượng trong Cung Lặn mạnh mẽ của mình vào cuộc sống? (Khó khăn trong các mối quan hệ dĩ nhiên có thể bắt nguồn từ rất nhiều thứ trong bản đồ sao và cuộc sống của một người, nhưng trong bài tập này, chúng ta sẽ chỉ xem xét các yếu tố thuộc trục Cung Mọc-Cung Lặn.)
- Nếu sau khi nghĩ về cuộc sống của mình, bạn thấy khó có thể hoàn thành bài tập số bốn, vậy bạn có quen biết một người luôn gặp phải những vấn đề dai dẳng trong các mối quan hệ không? Với anh ta hoặc cô ta mọi chuyện luôn diễn ra theo cùng một kịch bản, chỉ là với những diễn viên khác nhau. Nếu bạn biết được Cung Mọc của người này, hãy nghĩ về những đặc điểm thường thấy của họ vì chúng có thể liên quan đến Cung Mọc và Cung Lặn của anh ta hoặc cô ta.
- Bạn có cuộc sống bận rộn, năng động ở bên ngoài và được nhiều người biết tới (với tư cách cá nhân, không chỉ do danh tiếng) nhất vào khi nào? Con người trên bề mặt của bạn lúc đó ra sao? Bạn có đồng nhất với con người bên ngoài đó không? Điều đó ảnh hưởng tới cuộc sống nội tâm của bạn như thế nào?
- Nếu bạn bỏ trống bài tập số sáu, hãy áp dụng câu hỏi ấy cho người nổi bật, nổi tiếng hoặc được ngưỡng mộ nhất mà bạn quen biết với tư cách cá nhân. Tất nhiên, không phải tất cả những người như vậy đều đồng nhất quá mức với persona của họ hoặc soi chiếu những đặc điểm riêng của họ lên người yêu của mình. Tục ngữ có câu: “Nằm trong chăn mới biết chăn có rận”. Người nổi tiếng này như thế nào khi ở bên những người thân thiết với họ, mặt đối mặt?
- Cái mà dư luận muốn biết nhất về những người nổi tiếng là những câu chuyện về cuộc sống riêng của họ, về con người họ. Các tạp chí bán được rất nhiều ấn phẩm bằng cách xuất bản những bài báo như “Quý cô danh tiếng tại nhà” hay “Cận cảnh những riêng tư của quý ông màn bạc”. Khi một người sở hữu một persona lịch lãm và nổi tiếng, chúng ta sẽ muốn biết bên dưới lớp mặt nạ đó có gì. Tại sao lại như vậy?
Dịch: Thanh Thảo