Cung Mọc – Ascendant
Thuật ngữ “Cung Mọc” trong Chiêm tinh học
Định nghĩa này rất đơn giản, hay ít nhất ban đầu nó có vẻ như vậy. Cung Mọc (hay còn gọi là Dấu hiệu hướng thiên) được xác định bởi độ và phút của chòm sao đang mọc ở đường chân trời phía Đông ngay tại thời điểm bạn được sinh ra. Đây là lý do Cung Mọc nằm ở đỉnh Cung địa bàn số 1. Nếu đỉnh Cung địa bàn số 1 của bạn là 3 độ 15′ tại chòm Song Tử thì ta có thể nói bạn mang Cung Mọc Song Tử.
Bây giờ mọi thứ đã trở nên phức tạp hơn. Sẽ thế nào nếu như Cung Mọc của bạn là Song Tử ở 3 độ 15′, và Cung địa bàn số 12 của bạn bắt đầu ở 5 độ Kim Ngưu? Bạn vẫn có Cung Mọc Song Tử.
Vậy nếu bạn có hướng thiên Song Tử 3 độ 15′, và Sao Kim ở 10 độ Song Tử tại Cung địa bàn số 1? Theo ý kiến của tôi, trong khi Sao Kim vẫn mang đúng ý nghĩa của nó — thì tâm lý của bạn ít nhiều sẽ có xu hướng sáng tạo và đề cao các mối quan hệ — nếu Sao Kim nằm ở Cung địa bàn số 1, nó cũng nên được xem là một phần của Cung Mọc. Chúng ta nói bạn có Cung Mọc Song Tử với Sao Kim và Cung địa bàn số 1 tại Song Tử.
Ngoài trường hợp có Sao Kim tại Song Tử cùng với Cung địa bàn số 1, giả sử bạn có Sao Hỏa ở 1 độ Cự Giải, đồng nghĩa với việc đó cũng là Cung địa bàn số 1? (nhớ rằng Cung địa bàn số 2 trong ví dụ này bắt đầu tại 5 độ Cự Giải) Vậy thì một lần nữa, trong khi Sao Hỏa vẫn mang đúng ý nghĩa của nó — thì khía cạnh của một chiến binh, một người bảo vệ, ý chí và nỗ lực của bạn — cũng nên được xem là một phần của Cung Mọc. Chúng ta nói bạn có Cung Mọc Song Tử với Sao Kim tại Cung địa bàn số 1 Song Tử và Sao Hỏa tại Cung địa bàn số 1 Cự Giải.
Tóm lại, Cung Mọc là dấu hiệu xuất hiện trên đỉnh của Cung địa bàn số 1 ngay tại thời khắc bạn được sinh ra, và nó cũng bao hàm luôn tất cả tính chất của Cung địa bàn số 1. (Về sau tôi sẽ thảo luận một số kỹ thuật để giải thích những hành tinh nằm tại Cung địa bàn số 1.)
Bởi vì được sinh ra là một quá trình rất dài, câu hỏi đặt ra ở đây là: Chính xác đâu là “thời điểm được sinh ra”? Phải chăng đó là khi đầu của đứa bé nhô ra khỏi tử cung? Khi đứa bé có được hơi thở đầu tiên? Hay khi cắt dây rốn?
Tôi không biết câu trả lời cho những câu hỏi trên. Có lẽ thậm chí mỗi đứa bé lại có một cách giải đáp khác nhau. Nếu bác sĩ sản khoa hay các nữ hộ sinh đọc được những dòng này, các bạn có thể cho tôi những ý tưởng đúng đắn về các yếu tố hợp thành giờ sinh, và tôi rất vui nếu được nghe những ý kiến đó. Tuy nhiên với mục đích của cuốn sách này, hãy nhớ rằng định nghĩa của từ “sinh” sẽ không thay đổi.
Định nghĩa của Cung Mọc cũng sẽ không thay đổi. Điều này dẫn chúng ta đến…
Một vài định nghĩa trừu tượng và ẩn dụ của Cung Mọc
Hãy tưởng tượng bạn đang ở một bữa tiệc lớn, không quen biết ai. Tất cả các vị khách đều có sức khỏe tinh thần và tình trạng tốt. Trong 15-20 phút đầu của bữa tiệc, mọi ấn tượng ban đầu sẽ được quyết định và liên quan trực tiếp đến Cung mọc của họ. Ai vui vẻ với tất cả những người mới đến hoặc đang làm việc tại căn phòng? Ai rúc vào một góc quan sát xung quanh và cố hết sức có thể tránh ánh mắt đổ dồn vào mình? Ai lên tiếng hỏi người chủ trì bữa tiệc nếu anh ta cần giúp đỡ? Và ai sẽ là người làm không khí sôi động?
Bây giờ hãy tưởng tượng rằng 2 năm đã trôi qua, và bạn trở nên thân thiết với một vài người mình đã gặp tại bữa tiệc. Giả sử những ấn tượng đầu tiên của bạn về Joe hoàn toàn chính xác với con người anh ấy. Trong trường hợp đó, có thể anh ấy có sự hài hòa giữa Cung Mọc với Mặt Trời và/hoặc Mặt Trăng. Nhưng quan điểm của bạn về Mary hoàn toàn khác với ấn tượng đầu tiên của mình. Trường hợp này, có lẽ Cung Mọc của Mary đã cách xa khỏi sự hài hòa với Mặt Trời và/hoặc Mặt Trăng. Chúng ta sẽ thảo luận về khái niệm trộn lẫn Mặt Trời – Mặt Trăng – Cung Mọc ở chương 5.
Cung Mọc giống như bộ đồng phục hay quần áo khoác bên ngoài mà một người mặc vào, nó cũng giống như lớp trang phục hay mặt nạ. Hãy xem xét mục đích của quần áo. Chúng bao phủ cơ thể. Tùy thuộc vào sự phù hợp, nó sẽ che giấu vài phần cơ thể và tăng vẻ đẹp cho những phần khác. Nó mô tả chúng ta. Nó bảo vệ chúng ta. Nó nói lên con người của chúng ta, tâm trạng chúng ta mang và vai trò chúng ta diễn vào ngày hôm đó. Những giấc mơ bạn thấy mình đang trần truồng có thể nói lên một vài rắc rối liên quan đến việc điều chỉnh Cung Mọc vào thời gian trước đó hoặc những trúc trắc có thể gặp về sau.
Cung Mọc cũng giống như làn da của chúng ta vậy. Có một câu thành ngữ tiếng Pháp về sự thoải mái: “Je suis bien dans ma peau”. Theo nghĩa đen, nó là “Tôi cảm thấy hạnh phúc bên dưới làn da của mình.” Còn theo nghĩa bóng, tức là “Tôi thấy dễ chịu khi ẩn mình bên dưới lớp da.” Da của chúng ta là bề ngoài, nằm trên bề mặt, nhưng nó cũng rất cần thiết. Bạn sẽ như thế nào nếu làn da bị bóc đi? Cảm giác đó cũng giống như khi Cung Mọc của bạn không hoạt động vậy. Bạn thấy thô ráp, trần truồng và dễ bị tổn thương. Bạn muốn khoác lên mình thứ gì đó, ẩn đi khỏi thế giới xung quanh để liếm láp những vết thương của mình.
Nhiều tác giả chiêm tinh học đã bình luận rằng Cung Mọc giống như bộ lọc kính máy ảnh (filter) cho các hành tinh còn lại trên biểu đồ. Thế giới bên ngoài nhìn chúng ta thông qua bộ lọc đó, và bộ lọc giúp làm sắc nét hơn hình ảnh của một người đối với nhận thức của những người xung quanh. Ngoài ra, chính bản thân ta cũng nhìn nhận thế giới bên ngoài qua bộ lọc này. Cung Mọc chịu trách nhiệm về những mối quan hệ với thế giới bên ngoài, và nó xây dựng nên các “quan hệ ngoại giao”.
Một cách khác để mô tả Cung Mọc đó chính là “cái miệng” của biểu đồ. Nếu bạn phát hiện một loài động vật mới, bạn có thể đoán được một cách chính xác về chế độ ăn uống của nó bằng cách quan sát miệng và răng. Răng nhọn và sắc bén thường thuộc về những loài động vật ăn thịt. Chúng thường sống ở các địa hình bằng phẳng rộng lớn. Tương tự như vậy, Cung Mọc mô tả thứ thực phẩm bạn cần để nuôi dưỡng phần còn lại của biểu đồ, loại trải nghiệm mà bạn cần “ăn” trong suốt cuộc đời của mình. Tôi không nhớ ai đó lần đầu tiên đã nói: “Mặt Trời là ‘cái tôi’ của bạn, còn Cung Mọc là con đường bạn cần phải đi để trở thành ‘cái tôi’ của mình.”
Tôi có một người bạn, khi nói về cơ thể của mình, cô ấy đã bảo rằng: “Đó chỉ là chiếc phi thuyền của tớ, không phải con người thật đâu.” Tôi thích phép ẩn dụ về phi thuyền cho các Cung Mọc. Giống như cơ thể, Cung Mọc là một phương tiện chở linh hồn chúng ta vượt qua không gian và thời gian để trải nghiệm thế giới. Trong những bộ tiểu thuyết hay các tập phim khoa học viễn tưởng, bạn có thể phân chia nhiều chủng người dựa trên phi thuyền của họ. Trên con tàu có đầy ắp vũ khí không? Họ có những khung cửa sổ lớn với hàng tấn phòng quan sát? Họ có bay tùy hứng và thất thường đến mức buộc phải tuân theo luật của những kẻ khác lạ – chẳng hạn, phi nhân loại? Hay phi thuyền của họ chở các sinh vật khác lạ đó, thậm chí còn nhiều hơn cả con người? Như vậy đấy, Cung Mọc “chứa đựng” phần còn lại của biểu đồ sinh, chúng ta trải nghiệm và định hướng thế giới thông qua Cung Mọc của mình.
Cung Mọc có sự tương đồng với khái niệm của nhà tâm lý học Carl Jung về Persona (ND: Tiếng Latin, đối với nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Carl Jung, là mặt xã hội của cá nhân được trình bày với thế giới – “là lớp mặt nạ được thiết kế một mặt để tạo ấn tượng rõ ràng cho người khác, và mặt khác để che giấu bản chất thực sự của cá nhân”). Hai khái niệm Cung Mọc và Persona không giống nhau, nhưng đáng để chúng ta thảo luận về tầm ảnh hưởng của Persona lên Cung Mọc. Chúng ta sẽ khám phá khái niệm về Persona một cách chi tiết hơn ở chương 2. Tuy nhiên hãy mượn các từ ngữ của Jung, như “quan hệ giữa bản ngã và vô thức” trong Hai bài luận về Tâm lý học phân tích (1928; rpt. Collected Works 7, Princeton, NJ: Bollingen, 1967):
Persona là một hệ thống phức tạp của mối quan hệ giữa ý thức cá nhân và xã hội, phù hợp với đủ loại mặt nạ và được thiết kế một mặt để tạo ấn tượng rõ ràng cho người khác, mặt khác nó còn nhằm che giấu bản chất thực sự của cá nhân. Tuy vậy việc duy trì chức năng thứ hai trở nên không cần thiết trong trường hợp một người trở nên quá đồng hóa với Persona đến mức anh ta không còn nhận ra chính bản thân mình; và cái khuôn đó cũng không cần thiết cho một người vô tri đối với bản chất tự nhiên của anh ta… Vì thế việc xây dựng một nhân cách nhân tạo là không thể tránh khỏi. Yêu cầu về tính hợp lý và hành vi cư xử đúng đắn là lý do bổ sung để thừa nhận chiếc mặt nạ đó. Và những gì diễn ra dưới lớp hóa trang đó được gọi là “đời sống cá nhân”.
“Việc xây dựng một nhân cách nhân tạo”, hoặc mặt nạ, thực sự là “điều cần thiết không thể tránh khỏi” trong cuộc sống hiện đại. Hãy lưu ý những từ “xây dựng” và “nhân tạo”. Cung Mọc của mọi người đều đang ở một mức độ nào đó, như khi chúng ta được sinh ra với cơ thể này, thì Cung Mọc cũng giống như Persona, là cái gì đó mà chúng ta dựng lên, hết lần này đến lần khác, nhằm mục đích đáp ứng quá trình xã hội hóa.
Kể từ thời đại “Người man khai lương thiện” của Jean-Jacques Rousseau (ND: Noble savage – Một khái niệm có nguồn gốc từ thời kỳ Phục Hưng và về sau được xác định chặt chẽ hơn bởi Jean-Jacques Rousseau và Aphra Behn, cho rằng con người nguyên thủy là cao quý và tốt đẹp, nhưng khi trở nên văn minh thì họ lại bị tha hóa), người phương Tây có xu hướng lãng mạn hóa bản chất “tự nhiên” của đàn ông và phụ nữ, ngoài ra, trong một vài phạm vi nhất định, còn bôi bác tầm ảnh hưởng của sự văn minh. Tuy vậy con người là một sinh vật có tính xã hội. Chúng ta không sống độc lập hay tách biệt lẫn nhau.
Nhưng giả sử nếu thế thật thì sao? Cung Mọc của chúng ta sẽ như thế nào nếu chúng ta không lớn lên trong xã hội loài người và phải thích nghi với những áp lực lẫn đòi hỏi từ đó? Thậm chí chúng ta có cần Cung Mọc không, hoặc theo từ ngữ của Jung, chúng ta có Persona không?
Tôi nghi ngờ điều đó. Ngay khoảnh khắc bạn tiếp xúc với người lạ hoặc phải giao tiếp với ai đó mà mình không biết rõ, chẳng hạn như nhân viên ngân hàng, thì chính Cung Mọc của bạn sẽ ứng phó với anh ta. Hơn nữa, thật khó mà tưởng tượng một người hoàn toàn không liên lạc với bất kì ai khác. Một đứa trẻ sẽ sống sót thế nào? Trong thế giới người lớn, nếu một người không có Cung Mọc với chức năng khiến người khác thoải mái, thì anh ta sẽ bị cho là hư hỏng do quá trình xã hội hóa không đầy đủ hoặc vì bệnh tâm thần. Một người như vậy sẽ bị gọi là điên khùng, nguy hiểm hay bệnh hoạn, trừ khi đó là một đứa trẻ. Thậm chí có là vậy, thì đôi khi trẻ con vẫn khiến người lớn khó chịu bởi vài sự thật mà chúng để lộ ra.
Vì một bức tranh có giá trị như hàng ngàn ngôn từ, tôi bắt đầu tự hỏi nghệ thuật đã luận giải các vấn đề liên quan đến Cung mọc như thế nào? Trong bộ phim Nell (năm 1994), Jodie Foster vào vai nhân vật chính – một phụ nữ 30 tuổi được mẹ ruột nuôi dưỡng ở vùng núi Bắc Carolina. Giọng nói của mẹ Nell đã bị suy yếu nghiêm trọng do một lần đột quỵ khi Nell vẫn còn là một đứa trẻ. Khác với mẹ và một người chị sinh đôi đã chết khi cô còn bé, Nell chưa bao giờ giao tiếp với bất kỳ ai. Khi mẹ của cô qua đời, Nell được một bác sĩ làm thủ tục chứng tử (do Liam Neeson thủ vai) phát hiện. Nell cất tiếng bằng một thứ tổ hợp ngôn ngữ kỳ lạ mà ngày trước đôi song sinh đã cùng nhau sáng tạo, nhưng nó không phải tiếng Anh, và cô rất sợ phải rời khỏi cabin trong suốt mấy ngày sau đó – mẹ của Nell đã khiến suy nghĩ này ăn sâu vào đầu cô để giữ cô khỏi nguy hiểm. Các nhà tâm lý bàn bạc với nhau, họ muốn kéo cô ra khỏi cabin và để cô tiếp xúc với nền văn minh con người. Nhưng người bác sĩ tìm thấy Nell cho rằng cô là một người trưởng thành, có thể tự lập mà không cần ai giúp đỡ. Dần dần anh học được ngôn ngữ của Nell. Trong lúc đó, những người dân địa phương tỏ ra hiếu kỳ với “người phụ nữ hoang dã” này và cánh truyền thông báo chí rất nhanh đã đánh hơi được hoàn cảnh đặc biệt đó.
Bộ phim đi theo một quỹ đạo khá dễ tiên đoán, với Nell rời đi rồi sau đó quay trở lại khu rừng của mình, và sự “man khai lương thiện” (noble savage) ưu việt đó của cô đã được khẳng định. Bộ phim mang tính giả tưởng và rất đáng xem chỉ vì cách Jodie Foster dùng ngôn ngữ cơ thể, từng cử chỉ và sức ảnh hưởng của một phụ nữ “phi văn minh”. Foster được đề cử giải Oscar cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất về vai diễn này.
Tôi nghĩ bạn nên xem thử Nell, và nếu được thì hãy nghĩ về các Cung Mọc. Nell đã trưởng thành mà gần như không có Persona. Cô ấy không có cách nào để sắp xếp, tóm tắt hoặc che giấu bản thân mình với người khác. Vì vậy Nell có rất ít cách để tự bảo vệ những gì bên trong mình. Với Nell, những gì bạn thấy chính là con người thật của cô ấy. Không chỉ trái tim mà toàn bộ bản thân cô đã được phơi bày hết trên khuôn mặt của mình. Thật trung thực. Thật dễ bị tổn thương. Và, không có lớp vỏ bảo vệ của Cung Mọc, thật đáng sợ nếu chúng ta phải thấy chuyện gì có thể xảy đến khi Nell bị đẩy ra ngoài xã hội.
Một bộ phim khác có đề cập đến những khía cạnh của Cung Mọc, nhưng theo một cách hoàn toàn khác, là một tác phẩm với cái tên rất phù hợp của đạo diễn Ingmar Bergman, Persona (1966). Trong bộ phim này, Liv Ullmann đóng vai nữ diễn viên Elisabeth Vogler, người đang ở giữa màn trình diễn, đột nhiên không thể nói được nữa. Không có lí do gì khiến cô từ chối nói chuyện, vì vậy bác sĩ tâm thần đã đưa cô đến một ngôi nhà mùa hè biệt lập, dưới sự chăm sóc của một y tá trẻ tuổi (do Bibi Andersson thủ vai) tên là Alma. “Alma” có nghĩa là “linh hồn” – và cái tên với gấp đôi nét nghĩa đó chỉ là một trong nhiều lớp lang của bộ phim hấp dẫn và huyền bí này.
Diễn viên cần có những nhân cách linh hoạt để thay thế tạm thời khi họ đảm nhận vai diễn, giống như khoác lên mình lớp da của nhân vật mà họ sẽ đóng vậy. Elisabeth đã ngừng mọi hoạt động trên sân khấu, cô đánh mất cả Persona và tính cách thật của mình. Sự nổi loạn này ngụ ý rằng cô sẽ không phải diễn bất kỳ một vai diễn nào nữa.
Nếu Elisabeth không bị câm, Cung Mọc của cô ấy sẽ sớm xử lý và ứng phó các tương tác với Alma. Nếu chúng ta không có Persona, liệu linh hồn của chúng ta có thể hiện ra bên ngoài được không? Mối quan hệ của Persona với linh hồn là gì? Đối mặt với sự im lặng của Elisabeth, Alma, cái tên mang nghĩa “linh hồn”, bắt đầu những cuộc tán gẫu đầy cưỡng ép.
Khi mạch phim tiến triển, các cuộc nói chuyện của Alma ngày càng trở nên riêng tư hơn, thân mật và nhiều sơ hở. Một đêm nọ, khi đang mải mê uống rượu, Alma tiết lộ rằng mình và cô gái khác đã từng tham gia một cuộc chè chén trên bãi biển với vài thiếu niên xa lạ. Làm tình một cách thú vị đến đáng ngạc nhiên; rồi cô ta có thai; nhưng cô ta bỏ nó. Alma không chắc mình có yêu người mình sẽ lấy làm chồng hay không. Elisabeth tỏ ra mình đang lắng nghe một cách đầy cảm thông, nhưng cô không nói gì cả. Đêm đó, bộ phim cho thấy Elisabeth lén lút vào phòng của Alma rồi rời khỏi, nhưng cô đã phủ nhận nó vào ngày hôm sau. Cả Alma và khán giả của bộ phim đều bối rối về việc liệu chuyện đó có thực sự đã xảy ra hay không.
Sau đó, Alma đọc được một bức thư của Elisabeth, nói đến “sự say mê” của Alma với cô cùng câu chuyện về cuộc chè chén, và rằng Alma đã là “một trường hợp nghiên cứu tốt”. Đau đớn và cảm thấy bị phản bội, Alma bắt đầu dùng lời nói công kích Elisabeth – cho đến giờ vẫn không thể nói được, cho đến khi Alma dọa sẽ ném một chảo nước sôi vào mặt của Elisabeth (khuôn mặt là một biểu tượng của Persona). Liền đó Elisabeth chỉ nói đúng một từ “Đừng!” Alma tuyên bố rằng Elisabeth không hề yêu thương con trai cô và đem nó ra chỉ để làm hài lòng chồng của mình, rằng Elisabeth máu lạnh và nội tâm đã chết. Sau này người chồng đến thăm hòn đảo, và bộ phim kết thúc, để lại khán giả bối rối không biết được rốt cục anh ta sẽ nhìn thấy người phụ nữ nào trong hai người ấy.
Đây là một bộ phim nghệ thuật cổ điển, một trong những kiệt tác của Bergman, nên không thể chỉ mô tả trong một vài đoạn ngắn bởi nó có thể được hiểu theo nhiều mức nghĩa. Liệu việc Elisabeth bị câm có tạo vai diễn trống cho Alma, người đã đảo ngược vai trò bệnh nhân/ người chăm sóc bằng cách lôi Elisabeth vào vai trò của một nhà trị liệu, và sau đó trở nên giận dữ với những gì Elisabeth đang giữ bí mật? Họ là những người phụ nữ đang yêu? Họ có hai mặt của cùng một con người? Có phải Elisabeth đang hút hết sức lực của Alma? Chúng ta đang diễn ở mức nào? Có bao nhiêu người trong chúng ta câm điếc về chính bản thân mình?
Người ta có thể tranh luận và bàn cãi về tất cả những diễn giải trên hoặc nhiều hơn nữa. Tuy nhiên với quan điểm hẹp hơn của cuốn sách này, tôi khuyên bạn nên suy nghĩ về Cung Mọc khi xem Persona. Một số ý nghĩ của tôi có khả năng lý giải, nhưng chúng chỉ làm trầy xước bề mặt của bộ phim phức tạp này mà thôi.
Các bánh xe tương tác xã hội sẽ trở nên trơn tru nếu chúng ta tiếp thu các vai diễn và chấp nhận Cung Mọc của nhau, hoặc ít nhất hãy hành xử như thể chúng ta đồng ý. Nhưng không thể đảm bảo Cung Mọc có thể hoạt động hết tất cả thời gian, đặc biệt là khi ta thân mật với ai đó. Người như thế sẽ vượt qua được Cung Mọc của bạn và chạm đến “vùng dưới lớp da”. Khi thân mật, ta được phép hé mở dần con người thật sự và sẽ không phải bận tâm về những gì mình bị nhìn thấy ở đó. Sự ức chế có chủ ý của Elisabeth về Persona/Cung Mọc của mình đã góp phần tạo ra cảm giác gần gũi với phần nào đó của Alma, đồng thời dẫn đến sự sụp đổ cho Cung mọc của Alma. Sau đó Elisabeth phản bội những tin tưởng mà Alma đã trao cho cô, và Alma đã phản ứng dữ dội. Khi một người cởi bỏ lớp hóa trang hoặc bị ai đó tước chúng đi khỏi mình, trường hợp này sẽ dễ dàng kéo theo các rối loạn tâm lý.
Sự phát triển của Cung Mọc
Không ai được sinh ra với Cung Mọc hoàn thiện, vậy khi nào và bằng cách nào nó có thể phát triển?
Đó là một câu hỏi hay. Và đây là hai vấn đề nữa: Liệu chúng ta có sẵn sàng như bản thân cho là thế không? Làm sao chúng ta biết được điều đó?
Tôi ngờ rằng Cung Mọc của chúng ta không bao giờ có thể phát triển hoàn toàn, vì vậy luôn có chỗ cho sự phát triển cá nhân để tích hợp thêm tính chất Cung Mọc vào các hành vi hướng ngoại, đồng thời để sàng lọc kỹ lưỡng hơn những tương tác mang tính biểu cảm cùng những tương tác mang tính bảo vệ của Cung Mọc đối với môi trường xung quanh. Cung Mọc có thể bị đóng băng tạm thời, cũng như mọi người ai cũng có thể bị mắc kẹt. Tuy nhiên khả năng phát triển luôn tồn tại, mặc dù trong vài trường hợp nó không có vẻ gì là như thế.
Có lẽ Cung Mọc đã sớm phát triển và đi theo vòng tròn Hoàng đạo, xuyên qua các hành tinh nằm trên đó. Chúng ta học cách giao tiếp với từng biểu hiện trên khuôn mặt, cử chỉ hoặc từ ngữ (Sao Thủy). Chúng ta học cách nhìn nhận mọi người, mỉm cười và chơi đùa với họ (Sao Kim). Chúng ta học được rằng mình hoàn toàn khác biệt với tất cả, rằng chúng ta không hoàn toàn đồng nhất với nguyên bản của mình, và rằng chúng ta có ý chí cá nhân (Sao Hỏa —”tổ hợp khủng khiếp”. Sao Hỏa về bản chất là hành tinh chủ quản của Cung địa bàn số 1). Chúng ta tránh xa khỏi khía cạnh nguyên bản rồi khám phá mọi thứ (Sao Mộc). Chúng ta bắt đầu đi học, tiếp xúc với những hệ thống mang tính bắc buộc, các yêu cầu và quy tắc (Sao Thổ).
Tôi cũng giới thiệu cho các bạn chương sách của cô ấy: “Một mô hình giao tiếp cho các nhà chiêm tinh học,” trong cuốn Truyền đạt Horoscope (ed Noel Tyl, Llewellyn: St. Paul, MN, 1995). Stone đang mở rộng hình thức đó cho cuốn sách sắp tới với tựa đề Sách hướng dẫn cho những nhà tư vấn chiêm tinh: Một mô hình 10 bước để truyền đạt Hoàng đạo. Trong khi đó những thông tin về các chòm sao có thể được tải xuống từ website của cô: www.dianastone.com. Tuy nhiên với mục đích của cuốn sách này, cùng sự cho phép của Stone, chúng tôi sẽ chỉ xem xét mô hình đó trong sự tương quan với Cung Mọc.
Để giải thích, Stone đề xuất rằng việc Cung Mọc phát triển sớm xảy ra như phản ứng đối với những vấn đề hoặc trải nghiệm trong môi trường đầu tiên mà chúng ta tiếp xúc, điển hình là thời thơ ấu và gia đình — nơi ta đã lớn lên. Những vấn đề và trải nghiệm đó nằm trong các năng lượng nguyên mẫu đến từ Cung Mọc. Những đoạn băng bài giảng của Stone bao gồm nhiều sự phân định rằng các Cung Mọc có thể đã đáp lại môi trường đầu tiên mà một cá nhân tiếp xúc, điều này sẽ dẫn đến cách mà họ phản ứng với các tình huống khác nhau trong cuộc sống sau này. Đó là một đóng góp thiết thực, sâu sắc và quan trọng cho kiến thức của chúng ta về Cung Mọc.
Hãy xem xét một ví dụ. Stone nói rằng khi cô nhìn thấy một khách hàng với Cung Mọc Cự Giải, vì Cự Giải liên quan đến việc nuôi dưỡng và nuôi dạy con cái an toàn trong tổ ấm, nên cô nghĩ rằng anh ta phải có một người mẹ ấm áp, dịu dàng và đã được chăm sóc một cách tốt nhất khi còn nhỏ. Tuy nhiên lúc trao đổi về quá khứ của người khách hàng đó, Stone nhận thấy rằng họ thường nói đến những trải nghiệm ban đầu với xu hướng tập trung xung quanh mình hơn là việc thiếu thốn tình thương khi còn bé. Và để đáp lại những trải nghiệm đó, người khách nọ đã quyết định sẽ trở thành một bậc cha mẹ tốt mà trước kia mình không có được. “Ai đó phải trở thành một bậc phụ huynh tốt ở đây, và tôi đoán đó là mình.” Họ có thể sử dụng Cung Mọc của mình để chăm sóc mọi người và mọi thứ xung quanh — để rồi xuất hiện trong văn phòng của Stone một năm sau và phàn nàn rằng họ phải quan tâm cho mọi chuyện mà không bao giờ được nhận lại bất cứ điều gì.
Tôi muốn nói thêm là những người như vậy có thể sẽ nhận định thế giới không an toàn đến mức họ chỉ muốn nuông chiều bản thân và đến văn phòng của một nhà chiêm tinh vào năm sau đó, phàn nàn rằng họ cảm thấy bị cô lập và không thể thoát khỏi lớp vỏ Cự Giải của mình. Hoặc họ có thể quyết định di chuyển khắp thế giới để đòi hỏi mọi người quan tâm đến họ, để yêu cầu mọi người đóng vai một “người mẹ tốt” với “đứa trẻ” là mình — sau đó vẫn xuất hiện trong văn phòng của nhà chiêm tinh, ca cẩm việc mọi người cho họ là kẻ thích bám đuôi và ruồng bỏ họ.
Tôi đồng ý rằng Cung Mọc phát triển cùng với những trải nghiệm và phản ứng của chúng ta với các trải nghiệm đó. Tôi sẽ bổ sung là nó cũng phát triển cùng với cách hành động. Sao Hỏa về bản chất là chủ quản của Nhà số 1, và chòm sao liên quan đến Nhà số 1 chính là Bạch Dương. Tôi ngờ rằng “bộ đôi kinh khủng”, khi sao Hỏa trở lại vị trí đầu tiên của mình, chính là công cụ để cho Cung Mọc phát triển. Tôi cũng nghi ngờ rằng không chỉ các quá trình chuyển tiếp, những tiến trình hay những vòng năng lượng Mặt Trời (solar arcs) có liên quan đến Cung Mọc, mà ngay cả sự trở lại của Sao Hỏa, điều mà chỉ diễn ra 2 năm một lần, có thể đóng vai trò quan trọng trong sự tiến triển tiếp theo của nó.
Nếu bạn bất chợt nghĩ về ý nghĩa chiêm tinh của Sao Hỏa, thì từ ngữ nào sẽ nảy ra đầu tiên? Ý chí? Khao khát? Vận động? Ranh giới? Hành động? Nhà chiêm tinh Stephen Arroyo đã gọi Cung Mọc là “bản sắc trong hành động.” Cung Mọc nói lên hành vi của chúng ta. Hãy nghĩ về nó như một hành vi đã được điều chỉnh và đề xướng — nếu chúng ta sửa đổi hành vi theo Cung Mọc, chúng ta sẽ cảm thấy mình như đang ở trung tâm mọi thứ, vững lòng và tự tin. Chúng ta có những giới hạn rất tốt. Chúng ta có thể hành động tự do. Persona của mỗi người đang làm mọi thứ vì chính bản thân họ, cùng nhau, chứ không hề chống đối.
Chúng ta sẽ dành nhiều thời gian hơn để thảo luận về Persona trong chương 2. Nhưng trước tiên, nếu bạn là một nhà thực hành chiêm tinh học hoặc một nghiên cứu sinh và muốn tiếp tục những ý tưởng này, thì đây là một số gợi ý. Hãy ghi lại câu trả lời cho những bài tập này bất cứ khi nào có thể, như thế bạn sẽ dần thiết lập nên một kho ví dụ để có thể áp dụng với các khách hàng của mình.
- Hãy đến một bữa tiệc và đoán xem Cung Mọc của người đó là gì. Sau đó nếu bạn có thể xác minh phán đoán của mình mà không xâm phạm đến họ, hãy tìm cách kiểm chứng xem phán đoán đó có đúng hay không.
- Hãy phát triển ý tưởng Cung Mọc chính là “cái miệng” của biểu đồ sinh. Vậy thì loại thức ăn “trải nghiệm” nào mà một Cung Mọc Bạch Dương cần? Hàm răng của nó trông như thế nào? Hãy lập một danh sách cho từng chòm sao. Sau đó quay trở lại và thêm vào một hành tinh khác nhau cho mỗi Nhà. Vậy thì chế độ ăn uống và tình trạng răng miệng của một Cung Mọc Bạch Dương với Sao Kim ở Cung địa bàn số 1 sẽ như thế nào? Với Sao Thổ ở đó thì sao?
- Và hãy vui vẻ với ý tưởng so sánh Cung Mọc với những chiếc phi thuyền không gian. Nếu thế thì phi thuyền của Song Tử sẽ như thế nào? Cửa sổ của nó ra sao? Có trang bị vũ khí không? Cánh của nó nữa? Còn phi thuyền của Bọ Cap? Hãy ghi lại ý tưởng đó cho từng chòm sao. Sau đó thêm một hành tinh khác vào mỗi trường hợp và sửa đổi những đặc tính của phi thuyền cho hợp lý.
- Sử dụng một chương trình máy tính dành cho chiêm tinh học để tính toán tất cả sự trở lại của Sao Hỏa (bao nhiêu tùy thích nếu bạn muốn chiêm ngưỡng). Sau đó xem xét những ảnh hưởng từ sự trở về đó có liên quan đến sự phát triển Cung Mọc của bạn hay không.
- Hãy xem hai bộ phim mà tôi đề cập phía trên, Nell và Persona, tốt hơn là trong văn phòng của một nhà chiêm tinh học để có thể cùng nhau thảo luận về chúng. Nếu bạn có thể tìm thấy một số bộ phim khác với chủ đề hoặc có các vấn đề liên quan đến Cung Mọc, cũng hãy xem chúng với những người bạn yêu thích chiêm tinh của mình.
_______________________________________
Tìm cung mọc theo ngày giờ sinh chính xác: >click để xem nội dung<
Dịch: Hy Mai