Nguồn gốc và phân loại Chiêm tinh học
1. Phân loại Chiêm tinh học
Hình thái chủ yếu của chiêm tinh học dưới thời Hy Lạp, đồng thời được phổ biến rộng rãi dưới Đế chế La Mã là tinh mệnh học (genethlialogy). Thuật ngữ này nghe có vẻ xa lạ, nhưng cả lý thuyết và phương thức thực hành lại khá giống với chiêm tinh học hoàng đạo như tiêu chuẩn ngày nay.
Tinh mệnh học có nghĩa là khoa học nghiên cứu “mệnh”, tập trung chủ yếu vào các tinh tượng trên bầu trời tại thời điểm một người sinh ra, hoặc trong một số trường hợp hiếm gặp là tại thời điểm thụ thai (nếu không biết rõ thì được mặc định là 9 tháng trước khi sinh). Tinh mệnh học dựa vào tinh tượng để tiên đoán số mệnh, vận may, cũng như là tính cách của người đó. Vì vậy, lá số sinh ngày nay về cơ bản chính là “khởi nguyên” trong cách gọi của người Hy Lạp (genesis). Người ta đã khôi phục được rất nhiều lá số sinh gốc từ thời cổ đại (hầu hết là các mảnh giấy papyrus bị vùi lấp dưới lớp cát khô ở Ai Cập). Trong đó một số trường hợp điển hình được ghi lại trong những cuốn sổ tay chiêm tinh vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Nội dung chủ yếu của chúng là về tinh mệnh học, hay về cái mà họ gọi là “kết quả” (apotelesmata): Nếu tại thời điểm ra đời xuất hiện hiện tượng X thì cuộc đời người đó sẽ có những kết quả Y.
Trong số các hình thái khác nhau của chiêm tinh học thời cổ đại, chiêm tinh tổng quát sử dụng phương pháp tinh mệnh học để tiên đoán cho tập thể (dân tộc, thành phố, v.v.) hơn là cá nhân. Chiêm tinh Catarchic có tên gọi bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “sự bắt đầu”, nghiên cứu các thời điểm thuận lợi theo chiêm tinh học để khởi sự kinh doanh. Chiêm tinh khởi sự có phương pháp ngược lại so với tinh mệnh học. Thay vì dựa vào tinh tượng để dự đoán kết quả, chiêm tinh khởi sự lại dựa vào một kết quả muốn có để tìm kiếm những tinh tượng có thể mang lại kết quả đó.
Chiêm tinh học tham vấn đưa ra dự đoán về kết quả bằng việc tham khảo tinh tượng tại thời điểm hiện tại. Mục dự báo chiêm tinh trên báo được xếp vào loại này. Bởi vì một dự báo đơn nhất không thể vừa tạo được sự tín nhiệm lại đúng với mọi trường hợp được, vậy phải làm sao để có thể đưa ra dự báo chuẩn xác cho tất cả? Cách mà các chuyên mục dự báo này đưa ra là chia dự báo hàng ngày theo chòm sao hoàng đạo – từ chỉ vị trí của mặt trời trong lá số mỗi người tại thời điểm họ sinh ra. Để tính được dấu hiệu mặt trời của mình, bạn cần biết ngày sinh, tháng sinh (không quan trọng năm sinh). Ví dụ, tôi sinh vào ngày 11 tháng 1, như vậy tôi thuộc chòm Ma Kết. Có tất cả 12 chòm sao hoàng đạo khác nhau dành cho mọi người.
Hình thái cổ xưa nhất của chiêm tinh học chính là chiêm tinh điềm báo. Trong chiêm tinh học Hy Lạp, mặc dù chiêm tinh điềm báo chỉ đóng một vai trò rất nhỏ, nhưng nó lại tồn tại được khá lâu. Điều đó chứng tỏ chiêm tinh học Hy Lạp có sự phụ thuộc vào chiêm tinh học của người Babylon. Chúng ta sẽ thấy rằng chiêm tinh học Hy Lạp chính là hậu duệ của chiêm tinh học Babylon. Khác với chiêm tinh học hoàng đạo, chiêm tinh học điềm báo thiếu vắng hẳn một hệ thống toàn diện để liên kết các tinh tượng thực tế và tiềm năng trên một khung tham chiếu đơn nhất. Chiêm tinh học hoàng đạo xét đến vị trí của các thiên thể trong mối tương quan với nhau và với trái đất. Như đã nói đến trong chương 1, dự đoán về kết quả được quyết định bởi góc chiếu giữa các vì sao và hành tinh, chứ không phải dựa trên bản thân chúng. Chiêm tinh học điềm báo chủ yếu nghiên cứu các hiện tượng cụ thể và ít thường xuyên hơn, đặc biệt là những hiện tượng cao trào như nguyệt thực. Do người cổ đại không thể phân biệt giữa vũ trụ và bầu khí quyển của Trái Đất từ góc độ khoa học nên họ đã đưa cả những hiện tượng khí quyển, ví dụ như sấm, vào xếp chung với các tinh tượng đúng nghĩa trong chiêm tinh học điềm báo.
Tôi xin trích dẫn một đoạn từ chuyên luận về nông nghiệp, cuốn Geoponica (1.10), làm ví dụ cho chiêm tinh học điềm báo thời Hy Lạp. Có ý kiến cho rằng đây là lời dự đoán được viết bởi nhà tiên tri người Ba Tư Zoroaster, nhưng điều này chưa chắc chắn.
Những chỉ dẫn về kết quả tương lai đến từ tiếng sấm đầu tiên vang lên sau thời điểm chòm sao Sirius mọc mỗi năm. Theo Hỏa giáo Ba Tư (Zoroaster), tiếng sấm vang lên sau khi sao Sirius mọc được coi là tiếng sấm đầu tiên của năm. Người ta cần quan sát xem mặt trăng nằm ở chòm sao thứ mấy của dải hoàng đạo khi tiếng sấm đầu tiên vang lên. Nếu tiếng sấm đầu tiên xảy đến khi mặt trăng ngụ tại chòm sao Bạch Dương, điều đó là điềm báo về sự bất ổn, sẽ có mâu thuẫn nổ ra và xuất hiện tình trạng di cư hàng loạt, tuy nhiên cuối cùng mọi chuyện vẫn sẽ ổn định trở lại. Nếu tiếng sấm đầu tiên vang lên khi mặt trăng đang ở tại chòm sao Kim Ngưu, điều đó báo trước rằng lúa mạch và lúa mì sẽ bị mất mùa, hoàng thất hân hoan trong khi dân thường ở phía Đông thì chịu sự đàn áp và nạn đói hoành hành. [Tương tự với 10 chòm sao còn lại.]
Liệu rằng những dự đoán về chính trị, nông nghiệp và kinh tế này có đơn giản đến như vậy (chắc mọi người đang thắc mắc không biết triều đình hân hoan vì điều gì trong ví dụ thứ hai)!
Hãy chú ý đến cách phân loại các dấu hiệu, mà ở đây là tiếng sấm. Không phải bất cứ tiếng sấm nào cũng được coi là dấu hiệu, chỉ có tiếng sấm đầu tiên trong năm. Vậy làm thế nào để định nghĩa đầu tiên? Đầu tiên có nghĩa là xảy ra ngay sau khi chòm sao Sirius mọc lên – chòm Thiên Lang. Mọc lên ở đây có nghĩa là tiến gần đến mặt trời, là thời điểm đầu tiên trong năm mà người ta có thể nhìn thấy chòm sao này trước khi mặt trời mọc (vào ngày trước đó, do chòm sao này ở quá gần mặt trời cho nên không thể nhìn thấy được). Căn cứ vào vĩ độ, ngày này thường sẽ rơi vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.
Tiếng sấm đầu tiên không chỉ đưa ra chỉ dẫn về một kết quả duy nhất. Cần xét đến một biến số nữa để tiên đoán ra các kết quả khác nhau. Biến số đó chính là mặt trăng đóng tại vị trí chòm sao nào trong dải hoàng đạo. Hãy nhớ rằng mặt trăng di chuyển về hướng đông với tốc độ khá nhanh và kết thúc một chu kỳ hoàn chỉnh qua các chòm sao hoàng đạo trong khoảng thời gian là 27 ngày và 8 tiếng. Như vậy là phải mất 2 ngày và 6 tiếng để mặt trăng đi qua mỗi chòm. Chỉ cách một ngày thôi mà ý nghĩa của tiếng sấm đã có thể thay đổi hoàn toàn từ nổi dậy sang nạn đói.
2. Chiêm tinh học Babylon
Chiêm tinh học điềm báo của Hy Lạp đưa chúng ta tìm về với cội nguồn của chiêm tinh học ở Babylon, cho dù việc các bản ghi chép của người Hy Lạp có được bắt nguồn từ nơi đây hay không. Điềm báo từ tiếng sấm mà tôi đã trích dẫn bên trên rất giống với những dự báo được ghi lại từ thiên niên kỷ thứ 2 TCN trong chiêm tinh học điềm báo Babylon. Các sự kiện được dự báo trước trong chiêm tinh học này phần lớn thuộc phạm vi cộng đồng và hoàng tộc như chiến loạn và hòa bình, phản loạn và thái bình, được mùa và sung túc, mất mùa và nạn đói. Điều này đưa chúng ta tìm đến các nhà chiêm tinh Babylon; họ là những nhà quan sát, nhà biên soạn, nhà phân tích và nhà tính toán với công việc chính là quan sát bầu trời, phân tích dữ liệu và nghiên cứu để tính toán quy luật chuyển động và sự thay đổi vị trí của mặt trời, mặt trăng cùng các hành tinh khác theo thời gian.
Các nhà chiêm tinh Babylon là các nhân viên công vụ. Công việc chính của họ là tham vấn cho triều đình về chỉ dẫn đến từ những vì sao và tiên đoán tương lai dựa trên sự tương tác giữa nhiều hành tinh. Người ta càng biết nhiều về quy luật và tần suất chuyển động của các thiên thể thì càng có thể đưa ra những dự đoán về tương lai xa hơn và chính xác hơn nhờ vị trí và sự tương tác giữa hành tinh. Từ đó, bằng hiểu biết căn bản về chuyên môn, các nhà chiêm tinh học dần trở thành những nhà thiên văn học. Điều này không hề phủ nhận rằng chính những sự ham học hỏi không vụ lợi, hay còn gọi là tinh thần nghiên cứu khoa học, vào một lúc nào đó, đã đi vào trong chiêm tinh của người Babylon. Hoặc là những thành tựu thiên văn của họ là quá tiên tiến, quá chính xác và phát triển quá mạnh mẽ, vượt trên cả yêu cầu căn bản của công việc.
Mặc dù không phải là một trong số các chức năng chính của chiêm tinh học theo quan niệm hiện đại ngày nay, nhưng một chức năng khác mà chúng ta cần nhắc đến, điều tạo ra động lực cho các nhà nghiên cứu chiêm tinh, đó là quy ước về lịch. Việc nghiên cứu các vì sao vẫn luôn là cần thiết với mục đích điều chỉnh thời gian, đặc biệt nghiên cứu về mặt trời và mặt trăng bởi thời gian được tính dựa trên hai hành tinh này. Ngày và năm được tính bởi mặt trời; còn tháng thì tính bởi mặt trăng. Con người vẫn luôn mong muốn có được một bộ lịch dân dụng đáng tin cậy; bởi lẽ bạn không thể thanh toán tiền thuê nhà đúng thời hạn, nếu như cả bạn và người chủ cho thuê không biết khi nào thì là “đúng thời hạn” đây? Còn một lý do cho tầm quan trọng của việc điều chỉnh lịch cho chuẩn xác: bộ lịch chính là lời nhắc nhở của những vị thần, có lẽ họ sẽ không vui nếu chỉ vì không nắm được thời gian mà ta kỷ niệm các ngày lễ của họ sai ngày.
Việc điều chỉnh lịch là không hề dễ dàng, thậm chí đặc biệt khó với người Babylon và đại đa số người cổ đại vẫn quen sử dụng lịch mặt trăng. Họ tính toán chu kỳ thực của các giai đoạn mà mặt trăng sẽ trải qua, bắt đầu từ trăng lưỡi liềm vào ban đêm, trăng non, trăng tròn và sau đó là quay trở lại như lúc đầu. Người Babylon đã giải quyết được 2 vấn đề chính. Vấn đề thứ nhất, dự đoán khi nào trăng sẽ xuất hiện lần đầu tiên trong chu kỳ, và từ đó tính được ngày bắt đầu của tháng thông qua một loạt biến số toán học được phân tích bởi các nhà thiên văn. Vấn đề nằm ở chỗ, 12 tháng tính theo mặt trăng lại ngắn hơn so với khoảng thời gian một năm tính theo mặt trời là khoảng 11 ngày. Do vậy, nếu muốn cho 12 tháng này có thể vừa khớp với khoảng thời gian tương ứng của một năm thì cần phải thêm vào đó một vài khoảng thời gian giao hội, hay còn gọi là tháng giao hội thứ 13. Việc cho thêm một tháng nữa vào không phải là một giải pháp hay; hơn nữa, còn cần có một công thức đáng tin cậy để có thể tính toán các khoảng thời gian thêm vào sao cho các chu kỳ này có thể lặp lại một cách tuần hoàn trong tương lai. Giải pháp được đưa ra đó là sử dụng chu kỳ mặt trăng 19 năm, được áp dụng một cách hệ thống ở Babylon trong lịch dân dụng vào khoảng đầu thế kỷ thứ 4 TCN. Sau khi nhận thấy rằng 19 năm mặt trời thì tương đương với 235 tháng (giao hội) mặt trăng, người Babylon đã cho ra đời một bộ lịch âm dương khá là chính xác, bằng việc cho xen kẽ những khoảng cố định vào 7 tháng trong chu kỳ 19 năm.
Thời hoàng kim của thiên văn học Babylon, nhìn từ góc độ khoa học, đến khá là muộn: vào mãi tận thế kỷ thứ 3 TCN, khi đất nước này rơi vào ách cai trị của các thế lực ngoại bang, đầu tiên là tướng Seleucus của Alexander Đại đế và những người kế nhiệm ông, sau đó lần lượt là người Parthia, rồi đến người Iran. Nhiều bản ghi chép của bộ lại phụ trách chiêm tinh được lưu lại trên các phiến đất nung, do đó số lượng bản ghi chép được lưu giữ khá nhiều, dù đa phần là dưới dạng các mảnh rời rạc. Những nhà nghiên cứu lịch sử thiên văn đã chia chúng thành 2 nhóm chính: (1) “toán học”, là những mảnh của cuốn “lịch thiên văn” ghi lại khoảng cách mà mặt trăng, mặt trời và 5 hành tinh khác di chuyển được mỗi ngày, từ đó có thể dự đoán được về nhân vật, địa điểm, thời gian của các sự kiện, (2) “phi toán học”, đa phần là những bản nhật ký hồi tưởng, cùng với rất nhiều các dữ kiện khác về địa điểm, thời gian của những sự việc đã xảy ra. Chiêm tinh điềm báo không nằm trong cách phân loại này, mà nằm trong cách phân loại của chúng ta. Một loạt các phiến đất nung với tên gọi Enuma Anu Enlil là tác phẩm xuất hiện đầu tiên và điển hình nhất về chiêm tinh điềm báo; đây là một tuyển tập ghi lại thế kỷ thứ 7 TCN sử dụng tư liệu từ 1.000 năm trước đó. Cũng không cần thiết phải trích dẫn thêm ví dụ để làm rõ cho điều này, bởi các ví dụ đã được trích dẫn bởi Ngụy Hỏa giáo vài thế kỷ sau đó. Về hình thái, nội dung và chức năng thì không có sự khác biệt đáng kể nào giữa hai hình thái chiêm tinh điềm báo của Hy Lạp và của Babylon mà người Hy Lạp đã kế thừa.
Chỉ có một phần rất nhỏ trong số những bản ghi chép “phi toán học” được khôi phục có chứa các lá số sinh. Nhưng, về căn bản, những bản ghi chép này đích thực là các lá số sinh bởi chúng đều liên hệ trực tiếp sự ra đời với những dữ kiện thiên văn về ngày sinh. Hầu hết dữ kiện này là kinh độ của 7 hành tinh, chủ yếu là mặt trời và mặt trăng được biểu diễn dưới dạng các chòm sao và độ của hành tinh đóng tại chòm đó. Đây rõ ràng là nguồn gốc của tinh mệnh học. Các văn bản cổ xưa nhất được xác định vào khoảng năm 410 TCN và gần đây nhất là năm 69 TCN, phần lớn trong số đó rơi vào khoảng thế kỷ thứ 3 và thứ 2 TCN.
Điều ta có thể khẳng định thêm về tinh mệnh học Babylon là rất ít, trừ việc tất cả các văn bản thiên văn dưới dạng toán học và phi toán học đều do cùng một bộ lại phụ trách viết ra. Có thể khẳng định dựa trên niên đại tương đối rằng những đòi hỏi bắt buộc đối với chiêm tinh điềm báo cổ đã tạo động lực cho sự phát triển của khoa học thiên văn Babylon; tuy nhiên không thể khẳng định điều tương tự về tinh mệnh học. Cái đuôi không thể tự vẫy, hay nói cách khác, tinh mệnh học chỉ là một khám phá tình cờ trong thiên văn học Babylon dưới thời hoàng kim.
Một điều khá rõ ràng là các lá số sinh của người Babylon được lập dựa trên những bản ghi chép, chứ không phải dựa trên sự quan sát bầu trời một cách trực diện tại thời điểm chủ lá số ra đời. Họ sử dụng nhật ký để lập lá số, bởi vì họ vẫn thường dùng dữ kiện từ những nguồn này; ví dụ, các dữ kiện âm lịch như ngày sinh, tháng sinh, đặc biệt là chi tiết về nguyệt thực xảy ra trước hoặc sau đó cùng khoảng thời gian về các chí điểm và phân điểm gần nhất. Xét từ góc độ chiêm tinh học, lá số sinh chuẩn của người Babylon phong phú và đầy đủ hơn so với lá số tiêu chuẩn không sử dụng tài liệu ghi chép của người Hy Lạp.
Chúng ta không biết gì ngoài tên gọi của chủ thể các lá số chiêm tinh này (hai trong số đó là tiếng Hy Lạp), cũng như việc những kết quả được ghi lại là quá chung chung. Thật sự là có rất ít nội dung được tìm thấy trong các lá số sinh chỉ ra sự tồn tại của hệ thống hoàn chỉnh và chính xác về mối liên hệ giữa các tinh tượng với kết quả trong cuộc đời chủ thể. Điều thú vị là hầu hết lá số sinh của người Hy Lạp, chứ không phải lá số sử dụng tư liệu ghi chép, còn không hề ghi lại kết quả.
3. Chiêm tinh học Ai Cập
Vào khoảng thế kỷ thứ 3 cho đến thế kỷ thứ 2 TCN dưới thời Hy Lạp hóa (Hellenistic age), cả thiên văn toán học và tinh mệnh học du nhập từ Babylon về phía tây sang Hy Lạp ở phía đông Địa Trung Hải. Thời Hy Lạp hóa gần như là trùng khớp với khoảng thời gian 3 thế kỷ cuối TCN, khi mà Đế chế Ba Tư cũ bị Alexander đại đế thu phục và chịu sự cai trị của những người kế nhiệm, trong đó phải kể đến các vị vua Seleucid ở Syria và Lưỡng Hà, sau đó là Ptolemy ở Ai Cập và toàn bộ vùng được gọi là Cận Đông có tiếp xúc với văn hóa Hy Lạp. Về sau, Lưỡng Hà được khôi phục bởi người Parthia, rồi sau đó lại bị Đế chế La Mã từ phía tây xâm lược, mãi cho tới khi triều đại của Cleopatra ở Ai Cập sụp đổ thì quyền lực chính trị của đế chế Graeco-Macedonia trên khắp một vùng rộng lớn mới thực sự kết thúc. Tuy nhiên, không phải nhờ văn hóa Hy Lạp mà các nền văn hóa bản địa này mới có thể phát triển mạnh mẽ song song. Trong số đó, nền văn hóa đóng vai trò quan trọng nhất trong lịch sử của chiêm tinh học là văn hóa Ai Cập.
Có lẽ do sự giao lưu khá dễ dàng ở đầu thời Hy Lạp hóa đã mở ra cơ hội tốt nhất và có lẽ là duy nhất ở thời cổ đại cho việc chuyển giao những tri thức thiên văn chuẩn xác từ phía đông sang phía tây. Có thể người phía đông đã mang những kiến thức đó sang phía Tây, cũng có thể là ngược lại, người phía tây sang học hỏi ở phương đông rồi mang tri thức theo về, hoặc cũng có thể tri thức được truyền thụ sang phía tây trong hành trang và tư duy của những người ở cả hai miền đông tây.
Với trình độ khoa học cao nhất, sự hiện diện của thiên văn toán học Babylon được thể hiện trong tác phẩm của Hipparchus vĩ đại (khoảng 150–125 TCN). Thực sự, thiên văn toán học đã trở thành trọng tâm trong toàn bộ tác phẩm của ông. Điều này giúp cho các mô hình hình học của thiên văn Hy Lạp trở nên đáng tin cậy hơn với độ chính xác cao hơn. Ở thời của ông, chỉ có phép toán số học của người Babylon và những ghi chép quan sát mới có thể cung cấp sự chính xác cần có. Quan điểm hiện nay cho rằng có lẽ những người Hy Lạp “với trình độ kỹ thuật khá cao”, cũng có thể là chính Hipparchus, “đã hợp tác với các nhà thiên văn người Babylon để trích ra báo cáo từ kho lưu trữ”.
Hơn một thế kỷ nay, người ta vẫn cho rằng văn hóa Hy Lạp có thể phát triển đạt đến trình độ cao như vậy là nhờ vào thiên văn học của người Babylon. Gần đây, nhờ vào tác phẩm của Alexander Jones (1991, 1999a, 1999b), người ta khám phá ra một danh mục khá chi tiết về thiên văn học dự đoán của người Babylon du nhập vào Ai Cập dưới thời Hy Lạp hóa, rồi phát triển độc lập như một nền văn hóa giàu truyền thống nào đó. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ thấy rõ hơn vai trò chủ yếu của thiên văn toán học thời Greco-Egypt là phục vụ cho chiêm tinh tinh mệnh, bởi các lá số sinh trong ghi chép xuất hiện vào khoảng cùng thời gian đó. Không giống như phiến đất nung của người Babylon, các bản ghi chép của người Ai Cập được lưu trữ dưới dạng mẩu giấy papyrus hay là các mảnh gốm ostraka (các mảnh gốm vỡ được dùng lại làm vật liệu ghi chép). Hầu hết những tài liệu này có niên đại sau sự bắt đầu của Công Nguyên (thế kỷ 1 Công nguyên), có lẽ tinh mệnh học và những “công cụ trợ giúp kỹ thuật” từ thiên văn học đã phát triển nở rộ ở Ai Cập dưới thời đầu Đế chế La Mã. Tuy nhiên, có quá ít các bản ghi chép về thời trước đó, thậm chí bản ghi chép từ những ngày đầu còn ít hơn, do đó thiếu cơ sở đáng tin cậy về thời điểm bắt đầu. Điều này là do yếu tố khách quan trong quá trình bảo quản, ví dụ nếu nằm bên dưới độ cao bề mặt thấm ẩm của cát, các cuốn giấy papyrus sẽ bị mục rữa. Chúng ta có thể chắc chắn rằng tinh mệnh học và công cụ thiên văn bổ trợ xuất hiện, đồng thời phát triển dưới thời Ai Cập vào thế kỷ thứ nhất TCN, còn vào thế kỷ trước đó – TK2 TCN thì chưa thể kết luận được.
4. Lịch sử ngụy tạo
Càng lâu đời càng tốt. Cho tới ngày nay, niên đại vẫn luôn là một biểu tượng cho tính hợp pháp và quyền hạn. Vì vậy, thật kỳ lạ khi văn hóa Hy Lạp lại là một nền văn hóa vay mượn. Người Hy Lạp nhận thức rõ rằng so với các nền văn hóa của người ở Cận Đông thì văn hóa của họ là nền văn hóa non trẻ tiếp thu khá nhiều những “trí tuệ ngoại lai”. Để chắc chắn, người Hy Lạp đều có tư tưởng chủ nghĩa Sô-vanh văn hóa, chỉ kém hơn so với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mà thôi, bởi để được coi là “người Hy Lạp”, dân tộc không phải là yếu tố quan trọng mà là khả năng sử dụng ngôn ngữ và hòa nhập vào nền văn hóa của họ. Mặc dù vậy thì tư tưởng tôn trọng các nền văn hóa khác cũng như tên tuổi những nhà hiền triết nổi danh trong các nền văn hóa đó đã thấm nhuần ở truyền thống triết học Hy Lạp. Tư tưởng này có một nhược điểm là quá coi trọng văn hóa ngoại lai tới mức sẵn sàng coi các tác phẩm của chính người Hy Lạp thành các tác phẩm ngoại lai, không phải với ý định đánh lừa, mà chỉ là để họ đặt mình vào một nền văn hóa mà họ ngưỡng mộ. Chiêm tinh điềm báo của Hỏa giáo được trích dẫn trước đó trong chương này chính là một trường hợp điển hình.
Việc viết về lịch sử cổ xưa cũng như nguồn gốc ngoại lai của chiêm tinh học là có lý do, bởi sự thật là người Hy Lạp cổ đã có thể tiếp cận được nhiều nguồn tư liệu thiên văn chuẩn xác từ tận thế kỷ 8 TCN. Cũng giống như việc chiêm tinh học cùng với thiên văn số học đều được du nhập từ các nền văn hóa khác là văn hóa Babylon và Ai Cập, mặc dù người truyền bá chiêm tinh học và thiên văn học bổ trợ có thể coi là người Ai Cập bản địa, đồng thời là người Hy Lạp.
Những người nghiên cứu về trí tuệ thời cổ đại đều nhận thấy nếu chỉ xét đến niên đại không thôi là chưa đủ. Nếu như Hỏa giáo Ba Tư có thể truy nguồn gốc về 5 hay 6 thiên niên kỷ trước, thì độ cổ xưa về niên đại của các Chaldean – tên gọi các nhà thiên văn cổ đại vùng Lưỡng Hà – chắc chắn sẽ còn ấn tượng hơn rất nhiều. Có một số bức hình đã được xác nhận niên đại hơn 500.000 năm. Tuy nhiên, cũng khá hợp lý khi các học giả, những người không hề có chút hứng thú nào với việc nghiên cứu về sự lâu đời của bản ghi chép chiêm tinh, nghi ngờ điều này. Nghi vấn này đã chỉ ra một điểm rất quan trọng, đó chính là mặc dù các ghi chép về thời đó có thể sẽ hữu ích, đặc biệt là những ghi chép về chu kỳ chuyển động trước của các hành tinh. Những chuyển động này được lặp đi lặp lại hàng ngày, tuy nhiên vì khoảng thời gian của sự lặp lại là quá lớn để có thể ghi chép một cách liên tục; thêm vào đó, chưa ai có thể đưa ra được bản ghi chép thực tế về khoảng thời gian trước đó.
Chúng ta biết có một mẫu vật trong quá trình nghiên cứu chiêm tinh từng bị gán nhầm cho nhà tiên tri Ba Tư Zoroaster. Nhưng những nhân vật nổi tiếng được biết đến như nhà sáng lập kiến tạo và nhà chức trách về chiêm tinh đều là người Ai Cập, ví dụ vua Nechepso và linh mục Petosiris. (Thời đầu, lĩnh vực này cần đến quyền lực hoàng gia cũng nhiều như nó cần đến trí tuệ linh thiêng.) Có lẽ còn có một số nhân vật lịch sử khác đằng sau hai tác giả này, cũng giống những người đứng sau Zoroaster, nhưng nếu vậy thì chắc chắn họ đã không biên soạn các tác phẩm từng được gán với tên tuổi của mình. Những tác phẩm này tồn tại dưới dạng nhiều mảnh rời rạc, vì thế chúng giống như tập hợp các bài viết của hai người này, hơn là một bộ sách thống nhất do hai người đồng sáng tác với chủ đề đa dạng từ chiêm tinh điềm báo, tinh mệnh học, chiêm tinh y khoa (iatromathemactics, tạm dịch “số học trị liệu”) đến chiêm tinh thực vật và khoáng thạch. Chiêm tinh thực vật và khoáng thạch sử dụng cây cỏ và đá để tiên đoán, tuy nhiên không thể xác định một cách chính xác các loại vật liệu được sử dụng là gì bởi chúng được tích lũy theo thời gian. Mặc dù vậy, điểm đồng nhất là chúng đều được hình thành vào khoảng nửa sau của thế kỷ 2 TCN hoặc thế kỷ 1 TCN. Đây là tập tục lâu đời nhất trong kho tàng chiêm tinh khi đạt được, tuy nhiên điều này không có nghĩa rằng các văn bản cơ sở thực thực sự là của chiêm tinh Hy Lạp
Những tác phẩm của Nechepso và Petosiris được xếp vào các bài viết về chủ đề bí ẩn trong tôn giáo và huyền học thời Graeco-Egypt mà chúng ta gọi là “Hermetic”, do trong các văn bản này đa phần đề cập đến vị thần Hermes, vị thần tương đương với Thoth – thần kiến thức và truyền thụ kiến thức của Ai Cập. Trong số đó, có một loài thảo dược (trong cuốn On the Virtue of Plants) được gán với Thessalus, mở đầu bằng bức thư tự truyện gửi tới một hoàng đế La Mã ở kỷ thứ nhất Công Nguyên. Tác giả bức thư giải thích rằng, với tư cách một nhà số học trị liệu trẻ tuổi, ông đã cố gắng thử nghiệm phương pháp mà Nechepso đưa ra trong chuyên luận tình cờ được tìm thấy ở thư viện. Kết quả là: ông đã hoàn toàn thất bại và vô cùng nhục nhã. Cảm thấy tuyệt vọng, ông đã đi tìm lời giải đáp từ các vị thần và cuối cùng tìm thấy thần hiển của vị thần chữa trị Asclepius (thường xuất hiện trong Hermeticism). Asclepius đã giải thích rằng Nechepso “là một người thông thái với rất nhiều quyền năng màu nhiệm”, tuy nhiên ông ta chỉ nói đúng một nửa: “…ông ta đã biết được mối liên hệ giữa cây cỏ và đá với các vì sao, nhưng lại không biết thời gian và địa điểm thích hợp để nhặt chúng.” Câu chuyện khá là thú vị cho ta biết thêm về quan niệm phân cấp tri thức huyền học thời cổ đại, cũng như cách để hợp pháp hóa cả tri thức và kỹ năng chuyên môn bằng thuật hùng biện cùng kể chuyện.
Dịch: Trần Nhật Linh