Định Nghĩa Về Chiêm Tinh Học Thời La Mã và Hy Lạp Cổ Đại
1. So sánh Thiên văn học cổ và Chiêm tinh học cổ: Những quan niệm sai lệch
Các nghiên cứu hiện nay về thiên văn học và chiêm tinh học thời cổ đại thường có xu hướng cường điệu sự đối lập rạch ròi giữa hai lĩnh vực này bằng việc coi thiên văn học cổ là một ngành khoa học mới nổi, còn chiêm tinh học là một sự mê tín mà người xưa tạo ra như một cái cớ để nghiên cứu quy luật của các hiện tượng trên bầu trời.
Chiêm tinh học đã không thể phát triển được như vậy nếu không có sự hỗ trợ của thiên văn và toán học. Điều này hoàn toàn đúng. Để đưa ra dự đoán về “kết quả tương lai” (outcome), chẳng hạn như trong giải đoán lá số sinh, người ta cần biết vị trí tương quan giữa các chòm sao với các hành tinh tại thời điểm chủ lá số được sinh ra đời. Rõ ràng là những quan sát trực quan, chẳng hạn như thời gian ra đời, mật độ mây, các hiện tượng trên mặt đất, sự thiếu vắng người quan sát có đủ chuyên môn về chiêm tinh, v.v. là chưa đủ cơ sở để dự đoán. Trên thực tế, dù có muốn quan sát thì những hiện tượng ấy vẫn khá hiếm gặp. Do vậy, như cách những người kế nhiệm của họ ngày nay vẫn làm, các nhà chiêm tinh cổ đã sử dụng các bảng biểu để dự đoán; bảng càng chi tiết thì càng chính xác, vì vậy, chúng vô cùng cần thiết với các chiêm tinh gia trong giải đoán lá số sinh. Và lẽ dĩ nhiên, người tạo ra các mô hình toán học để tính toán ra các bảng biểu có độ chính xác cao, trong đó phải kể đến bảng tổng hợp kinh độ các hành tinh (bao gồm cả mặt trăng và mặt trời), chính là những nhà thiên văn hoặc các nhà chiêm tinh trong vai trò nhà thiên văn học.
Trong lịch sử, khoa học chủ yếu tập trung vào phát triển phương pháp và tư duy khoa học. Tuy nhiên, nó chỉ coi chiêm tinh cổ là sản phẩm thừa trong giai đoạn thiên văn phát triển quá độ, và sau này lại trở thành một vết nhơ cần xóa bỏ. Dù tôi luôn tôn trọng sự khu biệt về mặt khoa học giữa tính thực tế trong thiên văn và tính tưởng tượng trong chiêm tinh, nhưng tôi cũng sẽ không lấn cấn quá mức về điều đó. Là một nhà nghiên cứu lịch sử chiêm tinh, lĩnh vực chủ yếu của tôi là lịch sử văn hóa và tri thức; cụ thể là nghiên cứu cách người Hy Lạp và La Mã tìm ra ý nghĩa, vai trò của các tinh tượng. Tôi không phủ nhận những ý nghĩa mà chiêm tinh học đã tìm ra là hoàn toàn phi khoa học. Nhưng theo quan điểm của tôi, việc dự báo chiêm tinh không phải lúc nào cũng đúng chẳng phải chuyện gì bất ngờ cho lắm, vậy còn gì khác mới mẻ nữa đây?
Việc đưa ra mô hình phân chia lịch sử phát triển của khoa học làm hai nhánh đối lập (thiên văn đúng, chiêm tinh sai) đã gây cản trở nghiên cứu về chiêm tinh cổ qua 3 con đường sau. Đầu tiên, với quan niệm coi thường chiêm tinh và các nhà chiêm tinh học, mô hình phân chia hiện đại chiếm ưu thế đã khiến những đối tượng nghiên cứu trở thành vớ vẩn. Đây không phải là phương pháp nghiên cứu hữu ích để có thể mang lại thành quả. Nếu chỉ chăm chăm đi tìm sự mê tín trong chiêm tinh, thì tất nhiên bạn sẽ thấy toàn những điều mình muốn thấy mà thôi. Nhìn từ góc độ khoa học, những ghi chép về chiêm tinh cổ đúng là có rất nhiều điều vô nghĩa. Tuy nhiên, tư duy đằng sau những điều vớ vẩn đó lại không hề thiếu tinh tế hay thiếu sâu sắc, và dù sao thì trong số những sản phẩm được coi là thú vị của văn hóa loài người cũng không thiếu những thứ vô nghĩa. Điều mà tôi muốn tranh luận ở đây không phải là những lĩnh vực chủ yếu thuộc về khoa học trong lịch sử, mà là về những tư duy ngợi ca đã vượt ra ngoài khuôn khổ của khoa học.
Thứ hai, phương pháp tiếp cận hiện đại còn chưa chú trọng đến sự tách biệt trọng yếu thời cổ đại. Có thể thấy rõ điều này trong phần giới thiệu chuyên luận bàn về thiên văn học và chiêm tinh học của Ptolemy (theo thứ tự là các tác phẩm Almagest và Tetrabiblos). Trong đó, Ptolemy coi hai lĩnh vực này là một lĩnh vực dự đoán đơn nhất nhằm tìm kiếm những quy luật và vai trò của các chuyển động cũng như vị trí các thiên thể với ít nhiều sự chắc chắn. Các nhà khoa học hiện đại tất nhiên không bị ràng buộc bởi cách phân chia thời trước, nhưng những nhà nghiên cứu lịch sử với lối tư duy cổ đại thì lại hầu như đều chịu hưởng, dù không phải hoàn toàn bị bó hẹp trong đó.
Con đường thứ ba tạo ra ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là phương pháp phân chia hiện đại trong quá trình phân biệt “vàng và cám”, giữa thiên văn học và chiêm tinh học, đã đánh đồng một cách mù quáng rằng chiêm tinh dự đoán chỉ toàn “cám” mà thôi. Cách tiếp cận này có thể hiểu được, bởi các văn bản cũng như dự báo chiêm tinh hiện hữu đều hướng về một mục tiêu, đó là đưa ra dự đoán tương lai dựa trên cơ sở những hình thể thiên văn. Mặc dù vậy, vẫn có ít nhiều sự đảm bảo từ các dữ kiện thời cổ giúp mở rộng định nghĩa chiêm tinh học ra bao hàm cả những ý nghĩa siêu hình và lý thuyết về các chòm sao. Hầu hết các dữ kiện đều là về biểu tượng các vì sao được đặt trong bối cảnh tôn giáo, từ những dữ kiện cụ thể của Mật-đặc-la giáo (Mysteries of Mithras), một tôn giáo với những lý thuyết về thiên văn và chiêm tinh học mà tôi đã tập trung nghiên cứu từ lâu. Một trong số những mục đích chính của tôi là nhằm nâng tầm ảnh hưởng và làm cho vai trò của chiêm tinh học cổ được công nhận rộng rãi hơn. Do đó, tôi chủ định viết cuốn sách như một sự đóng góp vào lịch sử phát triển văn hóa và tri thức cổ điển xa xưa, chứ không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ nội dung lịch sử và thực hành chiêm tinh trong một giai đoạn nhất định.
2. Sự phân chia: Quan điểm của Ptolemy về lĩnh vực nghiên cứu của thiên văn học và chiêm tinh học:
Phải chăng người cổ đại, đặc biệt là người Hy Lạp cổ, đã có thể tự phân biệt sự khác nhau giữa hai phương pháp tiếp cận các hiện tượng trên bầu trời, mà chúng ta vẫn thường gọi là phương pháp thiên văn và phương pháp chiêm tinh? Đúng là vậy, đa số họ đều sử dụng quan niệm thường thức mà ngày nay chúng ta vẫn còn áp dụng: coi dự đoán của các nhà thiên văn là đáng tin, trong khi lại vùi dập những dự đoán của các nhà chiêm tinh và cho rằng chúng không đáng tin.
Hãy nhớ một điều, tôi không bàn về việc phân biệt giữa cái đúng và cái sai, cái thực và cái không thực, những điều khoa học và phi khoa học, những sự thực có thể kiểm chứng và những điều vô nghĩa không thể kiểm chứng. Để làm vậy ta cần đặt ra đủ các loại câu hỏi, chủ yếu là về bản chất của thứ được gọi là “khoa học” và những đặc điểm phân biệt mà rất nhiều năm sau có lẽ vẫn còn chưa sáng tỏ. Vì vậy, chúng ta hãy đặt ra những câu hỏi về thiên văn học cổ điển, đặc biệt là về việc các nhà chuyên môn thiên văn nhận thức như thế nào về thiên văn học, hơn là coi nó như một bộ môn khoa học được ghi nhận bất biến, trong khi coi chiêm tinh học chỉ đơn thuần là một dạng nhận thức sai lệch.
Tác phẩm duy nhất về thiên văn học Hy Lạp thời cổ đại còn được gìn giữ nguyên vẹn đó là Almagest của Ptolemy được biên soạn vào khoảng năm 150 sau Công Nguyên (Toomer dịch năm 1984). Ai cũng đồng ý rằng đây là tác phẩm xuất sắc nhất và đầy đủ nhất về thiên văn. Trong phần lời nói đầu (cuốn Almagest 1.1.), Ptolemy đã rất khó khăn để đưa ra định nghĩa về thiên văn học và liên hệ nó với các lĩnh vực khác. Sau đó, Ptolemy tiếp tục viết một chuyên luận khác về chiêm tinh gồm 4 phần, hay chính là “sê-ri các cuốn” được đặt tên là Tetrabiblos (Robbins dịch năm 1971). Đây có phải là tác phẩm xuất sắc nhất trong lĩnh vực chiêm tinh học hay không thì chúng ta vẫn chưa thể khẳng định được, không phải bởi vì không có các tác phẩm khác để so sánh, mà bởi vì chưa có tiêu chuẩn phù hợp để đánh giá tác phẩm nào mới được coi là xuất sắc, trong khi định nghĩa về chiêm tinh vẫn chưa được định hình rõ; còn về các tác phẩm khác ta sẽ bàn luận sau. Thêm vào đó, cách Ptolemy định nghĩa về chiêm tinh học trong cuốn Tetrabiblos cũng như cách ông định nghĩa về thiên văn học trong cuốn Almagest, nhưng trong cuốn Tetrabiblos, Ptolemy có thêm vào vài chương bàn về việc “Liệu có thể đạt được các kiến thức chiêm tinh học hay không?”, và nếu có thể, thì liệu những kiến thức ấy có “hữu ích” hay không. Bằng việc so sánh phần mở đầu của hai chuyên luận này, ta có thể thấy mối quan hệ giữa thiên văn và chiêm tinh học dưới góc độ khoa học của người được mệnh danh là nhà chuyên môn thiên văn xuất sắc và đồng thời là nhà lý thuyết chiêm tinh hàng đầu. Chúng ta không thể mong đợi gì hơn nữa bởi chắc chắn tư tưởng của Ptolemy thấm nhuần tư tưởng tinh thần của thời đại mà ông sống.
Chúng ta hãy bắt đầu với thiên văn học và cuốn Almagest (1.1) Trong số những thứ gọi là nghệ thuật và khoa học cùng với cách phân loại “triết học” của người Hy Lạp, thiên văn học, theo Ptolemy, được coi là một nhánh trong ba loại hình “triết học lý thuyết” (trái ngược với “thực tiễn”). Ba loại hình đó bao gồm: (1) thần học, nghiên cứu những đối tượng bất khả tri và bất biến, (2) toán học, nghiên cứu về các đối tượng bất biến nhưng khả tri, (3) vật lý, nghiên cứu những đối tượng khả tri và khả biến. Thiên văn học thuộc về hình thái thứ hai là toán học, bởi vì đối tượng nghiên cứu là tinh tú và các hành tinh, đáp ứng được hai điều kiện cần đó là bất biến và khả tri. Ptolemy khẳng định rằng, khả biến là như thế nào ta không thể biết chắc được, cũng giống như những điều hoàn toàn nằm bên ngoài nhận thức vậy. Bởi vì thiên văn, hay triết học toán học, nghiên cứu các đối tượng bất biến mà ta có thể nhận biết được, cho nên đó chính là một con đường tuyệt vời để đạt được tri thức – con đường mà Ptolemy coi là tốt nhất.
Tất nhiên, tiền đề những gì bất khả tri thì bất khả giải cũng khá hợp lý, đặc biệt trong trường hợp ta coi tri thức là sự tiếp nhận những chân lý mà có thể kiểm chứng được về thế giới. Nhưng tại sao lại không thể có tri thức về những thứ khả biến? Ptolemy có vẻ như đã loại trừ ra tất cả những gì ta coi là đối tượng phù hợp của nghiên cứu khoa học – ngoại trừ các vì sao, bởi theo quan điểm hiện đại, trong vũ trụ khả tri thì các vì sao chính là những vật có độ khả biến thấp nhất.
Về điều này thì chúng ta có quan điểm đối lập với những định lý hoàn toàn xa lạ mà Ptolemy đã đưa ra làm cơ sở cho khoa học thiên văn. Giống như hầu hết các học giả khác thời cổ đại, lý thuyết của Ptolemy có liên quan đến thứ tự, cấp bậc và giai cấp. Dù là ở bất cứ hạng mục nào, vẫn luôn có những thứ ở cấp cao hơn, tốt hơn so với những thứ khác. Từ góc độ bản thể học, sự vĩnh cửu chiến thắng sự vô thường, cái trừu tượng chiến thắng cái cụ thể, và sự đơn giản đồng nhất lại chiến thắng sự phức tạp. Từ góc độ nhận thức, lý giải một vật bất biến dễ hơn lý giải một thứ khả biến, cho nên chỉ có điều thứ nhất mới thực sự được coi là tri thức.
Nói về bất biến thì không có thứ gì trong vũ trụ khả tri có thể vượt qua các thiên thể, bởi tất cả mọi sự thay đổi về hình thể (ví dụ như các pha trong chu kỳ của mặt trăng, hiện tượng nguyệt thực, độ chói sáng của mặt trời khi mọc và khi lặn phía chân trời) có thể dễ dàng giải thích bằng các yếu tố bên ngoài, và rất khó để tránh khỏi việc đi đến kết luận rằng những vì sao có bản chất là bất biến. Vậy nếu chúng bất biến thì chúng sẽ bất tử, đã là bất tử thì chỉ có thánh thần.
Mặc dù các vì sao dường như sẽ không thay đổi về bản chất, tuy nhiên, hầu hết chúng đều thay đổi vị trí. Chúng có thể chuyển dịch đồng thời trong vòng quay tuần hoàn của vũ trụ xung quanh trái đất; hoặc thay đổi trong vị trí tương quan với nhau cũng như với các chòm sao “cố định” giữa mặt trời, mặt trăng và 5 hành tinh khác mà mắt thường có thể nhìn thấy; hoặc mỗi hành tinh chuyển động riêng với dạng thức vô cùng phức tạp.
Vì vậy, thiên văn học của Hy Lạp nghiên cứu chuyên biệt về sự chuyển động cùng với sự thay đổi về vị trí theo thời gian. Theo quan niệm của Ptolemy, “sự phân chia [triết học lý thuyết] quyết định đến bản chất của các hình thái và sự chuyển động từ nơi này sang nơi khác, cũng như phục vụ cho nghiên cứu về các hình thể, số lượng, kích thước và vị trí, thời gian v.v. tất cả những thứ đó được định nghĩa là ‘toán học’ (cuốn Almagest 1.1., Toomer dịch).
Cần lưu ý rằng định nghĩa của Ptolemy bao hàm hình học, số học (ngày nay gọi chung là “toán học”) và cả thiên văn học. Hãy chú ý cách mà Ptolemy định nghĩa về lý thuyết phân loại triết học căn bản nhất, nhưng không phải là chú ý đến lời nói của ông, mà hãy chú ý đến thái độ được phản ánh mơ hồ trong đó. “Sự phân loại [triết học lý thuyết] nghiên cứu về vật chất và bản chất không ngừng chuyển động, cũng như những tính chất ‘trắng’, ‘nóng’, ‘ngọt’, ‘mềm’ hay những tính chất tương tự khác mà người ta gọi là ‘vật lý’; những trật tự bản thể như vậy được định vị (hầu hết) giữa những thiên thể dễ bị tan rã và bên dưới mặt trăng” (cuốn Almagest 1.1., Toomer dịch)
Khác biệt giữa thế giới “bên dưới mặt trăng” với những “thiên thể dễ bị tan rã” và thiên đường của sự vĩnh cửu, thiêng liêng được nhấn mạnh bởi sự phân biệt giữa chuyển động riêng của thiên thể tại mỗi vùng khác nhau. Quan sát bằng mắt và các giác quan thông thường khiến ta nghĩ rằng mọi vật trên trái đất đều di chuyển theo phương thẳng đứng hoặc lên hoặc xuống, trừ những sự chuyển dịch chịu sự tác động từ các hướng khác mà ta nhìn thấy được. Tự thân chúng không chuyển động theo quỹ đạo hình tròn. Nhưng chính người Hy Lạp đã khám phá ra một cách chính xác việc các thiên thể có xu hướng chuyển động như thế nào: chúng quay xung quanh trái đất với quỹ đạo hình tròn, tất cả đều di chuyển hướng về phía tây trong khoảng thời gian một ngày, và trong đó có 7 hành tinh (hầu hết trong đó) di chuyển về phía đông theo chu kỳ khác nhau với quỹ đạo riêng phức tạp. Điều này dẫn đến các thiên thể khác hoàn toàn so với sự vật trên trái đất, không chỉ ở thời hạn tồn tại, mà quan trọng hơn là ở bản chất của chúng: các thiên thể này đều mang các tính chất ngoài vũ trụ và tự thân chuyển động theo quỹ đạo hình tròn. Mãi cho tới khi Newton khám phá ra quy tắc chung về định luật vạn vật hấp dẫn thì khe hở lớn trong nhận thức về trái đất và bầu trời này mới được lấp kín: những thứ “trên trời” cũng giống như những vật “dưới đất” mà thôi.
Kể cả dựa trên những tiêu chí hiện đại thì tác phẩm Almagest vẫn là một tác phẩm khoa học, bởi nó không đưa ra phát biểu về những chuyển động, vị trí hay chu kì của các thiên thể mà ta chưa thể kiểm định được là đúng hay sai. Nhưng chúng ta cần phải nhớ rõ rằng đây không phải là một tác phẩm viết về thế tục. Đây là một tác phẩm viết về hành vi của các đấng khả kiến, vì lẽ đó Ptolemy đã khá chắc chắn khi cho rằng trung gian giữa thần học (những vật bất tử và bất khả tri) và vật lý học (những vật khả tử và khả tri), là một ngành nghiên cứu những đối tượng đặc biệt tuy bất tử nhưng lại khả tri; và vì thế mà từ góc độ khoa học, tác phẩm này có tính hợp lý.
Còn về lợi ích thực tiễn của thiên văn học thì sao? Lĩnh vực này cũng vừa thuộc về thần học, vừa thuộc về luân lý. “Khi xét đến hành vi đạo đức trong các hành động thực tế cũng như trong tính cách thì bộ môn khoa học này, trên tất cả, có thể khiến con người nhìn rõ ràng hơn. Chính tính kiên trì, trật tự, đồng nhất và trấn tĩnh thuộc về thánh thần đã khiến cho những tín đồ cảm mến. Và thế là họ học theo để thay đổi bản thân với mục đích đạt được trạng thái tâm linh tương tự” (Almagest 1.1, Toomer dịch).
Ptolemy giới thiệu rằng tác phẩm được viết sau đó của mình, Tetrabiblos, là một văn bản đi kèm, phần tiếp theo của tác phẩm Almagest. Đối với Ptolemy, thiên văn học và chiêm tinh học không hề tách rời, và cũng không phải là một phương pháp ứng dụng thiên văn một cách thiếu khoa học. Chiêm tinh học đơn thuần là phần hai của “dự báo bằng thiên văn” (Tetrabiblos 1.1, câu đầu tiên). Hãy chú ý cách ông ấy nhắc đến chiêm tinh học mà không gọi tên chuyên biệt:
Trong số những phương thức dự đoán bằng thiên văn học, O Syrus, có hai phương thức quan trọng nhất và hợp lệ. Phương thức một, cũng là phương thức đầu tiên có trật tự và hiệu quả, là tìm hiểu rõ các góc chiếu trong chuyển động của mặt trời, mặt trăng và các vì sao trong sự tương quan với nhau và với trái đất trong một số trường hợp; phương thức thứ hai là sử dụng đặc điểm tự nhiên của các góc chiếu để nghiên cứu những sự biến đổi mà chúng mang lại cho vật thể (ví dụ trái đất) mà chúng quay xung quanh. (Tetrabiblos 1.1, Robbins dịch)
Phương pháp thứ nhất Ptolemy nhắc đến O Syrus – người bảo hộ của mình, ông đã giải thích trong cuốn Almagest. Cuốn sách này giúp chúng ta có thể dự đoán vị trí tương quan của các thiên thể với nhau và với trái đất dựa trên kiến thức về chuyển động theo quỹ đạo của từng hành tinh. Ở phương pháp thứ hai, chúng ta nghiên cứu những “cấu trúc hình ảnh” của các thiên thể, từ đó dự đoán sự biến đổi mà các cấu trúc thiên thể này sẽ tác động lên trái đất dựa trên những “đặc điểm tự nhiên” của chúng.
Khi đánh giá về phương pháp thứ hai thì Ptolemy cho rằng có hai sai lầm cần phải tránh. Sai lầm thứ nhất là việc mặc định rằng ta có thể đạt được một “sự đảm bảo” nhất định khi sử dụng phương pháp thứ nhất, bởi vì đơn giản là đó là một điều không thể; trong khi phương pháp thứ hai hướng đến thế giới vật chất luôn biến động, nơi mà mọi sự chỉ có thể “suy đoán” mà thôi, và việc suy đoán này còn “rất khó”. Sai lầm thứ hai đó là tiêu cực thái quá và phủ nhận khả năng rút ra kết luận đúng đắn cũng như hữu ích về những tác động của thiên thể lên trái đất. Điều này đi ngược lại các bằng chứng phản ánh những kết quả do thiên thể mang lại, ví dụ như tác động hàng ngày và thường niên của mặt trời đến trái đất.
Chúng ta chưa vội xét đến tính hợp lý trong luận điểm của Ptolemy về khái quát hóa tác động của mặt trời lên thành tác động của các thiên thể, bởi mục tiêu của chúng ta trong chương 1 này chỉ là phân biệt thiên văn học và chiêm tinh học mà theo quan điểm của người Hy Lạp cổ đại là hai lĩnh vực khác nhau. Coi Ptolemy là tấm gương, ta có thể thấy cách mà một chuyên gia trong cả hai lĩnh vực kết hợp chúng thành một bộ môn nghệ thuật về dự toán tương lai với ít nhiều sự chắc chắn và đáng tin cậy.
Dịch: Trần Nhật Linh