Thần Thoại Sao Hải Vương
Trong thần thoại, nước là biểu tượng cho tử cung – nơi nuôi dưỡng sự sống và là khởi nguồn cho sự sống được tái sinh. Ở Sumer, nữ thần biển cả được gọi là Nammu, Mẹ Của Muôn Loài. Ở Babylon, nàng được biết đến dưới tên Tiamat và được khắc họa dưới hình ảnh một quái vật biển khổng lồ sinh ra các vị thần, sau đó bị chia cắt thành thiên đường và mặt đất. Trong thần thoại Hindu, nữ thần Maya vĩ đại là hiện thân của đại dương vũ trụ mà trong đó một vũ trụ sẽ xuất hiện sau khi một vũ trụ khác sinh ra, chỉ để hòa mình vào đại dương nguyên thủy lần nữa khi chu kì của nó đã hoàn thành. Trong những câu chuyện cổ xưa của người Hi Lạp, ban đầu nữ thần Eurynome tạo ra đại dương, rồi người nhảy múa trên những con sóng đại dương ấy, kết đôi với rắn thần và sinh ra vũ trụ. Trong thần thoại Hi Lạp sau này, hình ảnh của người đã bị phân mảnh thành nhiều vị thần khác nhau cai quản sông, hồ và mạch nước ngầm, và mỗi con suối nhỏ đều có một vị tiên nữ cai quản. Thần Okeanos vĩ đại cũng xuất hiện trong thần thoại Hi Lạp, bao bọc trái đất trong sự trù phú và màu mỡ mãi mãi. Bởi vì việc thờ phụng một vị nữ thần cổ đại tối cao đã dần bị thay thế bởi các vị nam thần trên đỉnh Olympus, nữ thần biển cả Eurynome bị hạ bệ và thay thế bởi Poisendon – vị thần có mái tóc xanh dương, cai quản những trận động đất, bò tót và ngựa, thừa kế quyền lực thống trị biển cả. Vị thần quyền năng này được biết đến ở La Mã dưới cái tên Neptune – hành tinh ngài cai trị được đặt theo tên ngài. Ngài có tính khí thất thường, nóng tính và khó dò cũng như biển cả mà ngài cai trị.
Sự to lớn và bí ẩn của thần biển cả chứa đựng những trải nghiệm ban sơ nhất trong cuộc sống con người từ khi còn đang nằm trong bụng mẹ, khi mà chúng ta còn gắn chặt vào cơ thể mẹ mình và không sở hữu bất cứ danh tính độc lập hay có chút ý thức nào. Vậy nên hình ảnh trầm mình trong nước là biểu tượng thần thoại cho sự kết nối với nguồn sống. Và hình tượng đầy cảm động, mạnh mẽ này đã trở thành nghi thức rửa tội trong Đạo Thiên Chúa như là biểu tượng cho sự trong sạch và tái sinh. Khao khát được tìm về nguồn sống, để được gột rửa và tái sinh, cũng là bằng chứng cho một niềm tin trong Đạo Hindu rằng việc tắm trong dòng nước của Mẹ Ganges sẽ giải phóng cho những tâm hồn mỏi mệt khỏi vòng luân hồi nghiệp quả. Nữ thần biển cả trong thần thoại rất mênh mông và khó hiểu, không luân lý và khó đoán, được ban cho sức mạnh tiên tri và quyền năng tự sinh sản. Hình ảnh sinh sản vô biên của nước cũng liên hệ với sức mạnh của trí tưởng tượng, thứ có thể sinh ra vô hạn mà không cần bất cứ tác động bên ngoài nào. Nước là một biểu tượng thần thoại vĩ đại cho sự cứu chuộc, nhưng đồng thời nó cũng là hình ảnh nguyên thủy cho sự xóa bỏ, lãng quên. Trong thần thoại của người Babylon, Hi Lạp, Hindu và Hebrew, loài người đã gần như bị tuyệt chủng bởi cơn đại hồng thủy, bởi vì các đại dương vô thức ấy chính là điểm kết thúc cũng như điểm bắt đầu của chúng ta. Nhưng bất chấp nỗi sợ bị tuyệt chủng, chúng ta vẫn khát khao được cảm thấy nối kết với nguồn gốc của mình, được nuôi dưỡng bởi chính sự rộng rãi và được bảo vệ trong vòng tay yêu thương của nó. Nhu cầu được kết nối với người mẹ từ thuở ấu thơ mang nhiều nét tương đồng với những đòi hỏi được dung hợp với chúa trời sau này. Nhưng cũng không thể phủ nhận sự vĩ đại của những thứ hay những chân lý khác. Khao khát chuộc tội của chúng ta thuộc về cả thời thơ ấu và tuổi trưởng thành, nằm trong cả thân thể và tâm hồn.
Ở tầm lý trí, Sao Hải Vương phản ánh mong muốn của chúng ta về việc được cởi bỏ những gánh nặng bởi sự tồn tại cô độc và trải nghiệm niềm hạnh phúc được nối kết với những thứ vĩ đại hơn. Đây là nhu cầu bắt buộc trong cả cảm xúc lẫn tinh thần, mặc dù nó bộc lộ theo những cách khác nhau dựa vào tính cách và đức tin cá nhân. Vài người tìm kiếm sự giải phóng của Sao Hải Vương thông qua tính thoải mái đến từ những ý thức hệ toàn diện. Đức tin của chúng ta vào Nhà Nước như sức sống kì diệu và bền bỉ ngay cả khi đối diện với sự suy thoái rõ rệt của tính người trong bất cứ chính phủ hay hệ thống chính trị nào. Nhiều người lại cảm nhận được vẻ đẹp ngây ngất của một nhất thể siêu việt ngay từ giai đoạn đầu của tình yêu, và cảm thấy nỗi thất vọng cay đắng khi những người yêu thương, cha mẹ hoặc con cái mình hóa ra lại là người hoàn toàn khác với tưởng tượng hay mong mỏi – một người yếu đuối hơn nhiều. Những người khác lại tìm kiếm cảm giác lãng quên thông qua các thứ như rượu hay heroin, bởi trạng thái ảo giác nó mang đến cho một người có thể khiến họ cảm thấy được tái sinh – cho đến khi cơ thể họ đau đớn vì bị tàn phá. Nhu cầu được cứu chuộc của chúng ta, đại diện bởi Sao Hải Vương, tự xuất hiện qua tất cả những lần ta vướng vào nghiện ngập, bởi qua sự tồn tại của nó, ta có thể tìm về với nguồn sống của biển cả một cách vô thức. Cũng bởi sự tồn tại của nó, chúng ta bị tổn thương bởi những lần vỡ mộng cay đắng nhất. Sự xuất hiện của nghệ thuật và tôn giáo – đặc biệt là những thứ có thể khiến cảm xúc dâng trào như âm nhạc, kịch nghệ hay việc thờ phụng – là một hình thức tìm về và hòa mình vào đại dương thần thoại, bởi đó là thế giới nội tâm, chứ không phải những đại diện ở bên ngoài. Chúng trao cho chúng ta những trải nghiệm ban sơ nhất và dễ biến đổi nhất về việc tái hợp nguồn sống. Sự kì diệu của sân khấu, rạp phim hay những khán phòng hòa nhạc, và niềm an yên ,thần bí trong những giáo đường, nhà thờ, thánh đường Hồi giáo hay các đền thờ có thể giúp chúng ta thoát khỏi những nỗi đau trần thế. Ở đó, chúng ta quên đi nỗi cô đơn và nhấn chìm bản thân dưới những khao khát sâu xa nhất của mình trong cơn lũ mạnh mẽ mang theo khát vọng chung của con người.
Sao Hải Vương không phản ánh mong muốn hay tư duy cá nhân. Vị thần biển cả là đại diện cho những khao khát chung của con người để vượt qua nỗi đau và trở lại với trạng thái vô định nguyên thủy. Vì lý do này, Sao Hải Vương được bộc lộ thông qua những xu thế nhóm, những tập thể có chung một giấc mơ và lý tưởng về sự cứu chuộc. Khi chúng ta khao khát được trở nên giống mọi người, hay nhấn chìm giá trị cá nhân mình trong một đám đông, chúng ta đang bộc lộ Sao Hải Vương. Sự hi sinh quên mình của bản thân không được công nhận bởi bất cứ ai, có thể gây tàn phá cũng như mang đến khả năng kết nối mạnh mẽ. Một nhóm có thể trở thành một đám đông, tạo ra cơn xoáy từ các cảm xúc nguyên thủy, dễ dàng phá hủy mọi thứ một cách kinh hoàng. Cuộc thanh trừng của Những Hiệp Sĩ Đền Thờ là ví dụ duy nhất về cách thức mà nhân tính con người đã phơi bày. Chúng là những thứ ác độc tàn bạo tồi tệ nhất qua hàng thế kỉ, nhân danh một đấng cứu thế. Nhưng nếu thiếu đi Sao Hải Vương, ta sẽ cảm thấy cô độc, tách biệt và bị tước nguồn sống nuôi dưỡng tâm hồn cùng sự sáng tạo của chúng ta. Nhu cầu mà Sao Hải Vương đại diện là một thứ hết sức phức tạp, vừa giải phóng ra thứ tốt đẹp nhất vừa là thứ tồi tệ nhất trong căn tính loài người. Chứa đựng trong những giá trị cốt lõi của cá nhân và khả năng suy ngẫm trung thực, Sao Hải Vương đại diện cho các mong muốn tốt đẹp nhất, và lòng trắc ẩn của chúng ta với tất cả sự sống trên cõi đời – những thứ cũng được sinh ra từ nguồn gốc bí ẩn như chúng ta.
Chúa tể giấc mơ, hình ảnh và những thứ xa xôi nguyên thủy, vị thần bí ẩn của biển cả và những cơn động đất – di chuyển lặng lẽ dưới lòng sự sống, giấu đi khả năng hoài thai của muôn loài để rồi đến một ngày, nó sẽ được sinh ra dưới ánh sáng tuyệt đẹp của bầu trời. Việc tự dìm mình quá lâu dưới lãnh địa của ngài sẽ hủy hoại tất cả chúng ta bởi nghiện ngập hay chứng điên loạn, nhưng đại dương của ngài cũng sẽ gột sạch và tái sinh chúng ta thông qua trí tưởng tượng phong phú vô biên cùng lòng trắc ẩn, lau đi tất cả những tổn thương, đau đớn và cô độc mà ta phải chịu đựng trong cuộc đời phàm tục của mình.
Dịch: Hải Anh